Xã hội hóa thể thao: Nhìn từ các liên đoàn, hiệp hội thể thao

.

Hướng đến mục tiêu xã hội hóa (XHH) thể thao, những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cũng như ngành TDTT đã từng bước xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp và phù hợp với chủ trương XHH các hoạt động thể thao của Chính phủ.

Liên đoàn Quần vợt đã hoạt động khá hiệu quả, mà việc kêu gọi Agribank tài trợ để tổ chức giải Quần vợt Đà Nẵng mở rộng truyền thống là một điển hình. Ảnh: ANH VŨ
Liên đoàn Quần vợt đã hoạt động khá hiệu quả, mà việc kêu gọi Agribank tài trợ để tổ chức giải Quần vợt Đà Nẵng mở rộng truyền thống là một điển hình. Ảnh: ANH VŨ

Đánh giá về hiệu quả của các liên đoàn (LĐ), hiệp hội thể thao (HHTT) thời gian qua, Phó Giám đốc Sở VH&TT Nguyễn Trọng Thao cho biết: “Khi được chuyển giao công tác tổ chức, các LĐ, HHTT đã tích cực vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm để tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng.

Qua đó, thu hút đông đảo VĐV trong cả nước về thi đấu. Điển hình như giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố mở rộng hằng năm đều có gần 500 tay vợt về tham gia tranh tài. Bên cạnh đó, các LĐ, HHTT thường xuyên nhận đăng cai tổ chức các giải quốc gia, quốc tế khi nhận được ủy nhiệm từ LĐ, HHTT quốc gia”.

Ngành TDTT cũng đã có sự hợp tác đáng kể với các LĐ, HHTT trong việc xây dựng kế hoạch và hỗ trợ một phần kinh phí, công tác chuyên môn trong quá trình tổ chức.

Thế nhưng, để các LĐ, HHTT thành phố cùng phối hợp và hỗ trợ ngành TDTT Đà Nẵng trong việc đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao vẫn chỉ mới là lý thuyết!

Ngoài LĐ Bóng bàn được thành phố giao quản lý CLB Thể thao Phan Châu Trinh nên có được địa điểm tập luyện, cũng như tự tạo một phần nguồn thu cho các hoạt động, hỗ trợ ngành TDTT một phần kinh phí trong việc cử các VĐV Bóng bàn đi tập huấn nước ngoài dài hạn, thì các LĐ, HHTT còn lại đều chưa có địa điểm làm việc, không có cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cũng dựa chủ yếu vào nguồn vận động tài trợ.

Và khi các LĐ, HHTT không chủ động được nguồn kinh phí hoạt động, mục tiêu đào tạo VĐV đã là khó; nói gì đến công tác huấn luyện VĐV thành tích cao. Chưa kể đến những khó khăn khác bởi các LĐ, HHTT chẳng thể có được đội ngũ HLV giỏi để đảm trách công tác đào tạo, huấn luyện VĐV như mong muốn.

Đáng mừng khi thời gian qua, một số môn như Futsal, Dance Sport... được chuyển giao cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp quản lý với sự hỗ trợ nhất định của ngành TDTT và từng bước có sự phát triển đáng kể.

Theo kế hoạch, các nhóm môn như Thể dục thể hình, Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt, Bóng chuyền bãi biển, Võ cổ truyền, Billiards, Bóng đá bãi biển... cũng lần lượt được giao cho các đơn vị có điều kiện quản lý, đào tạo, huấn luyện và hằng năm, ngành TDTT sẽ hỗ trợ chỉ tiêu đạo tạo cũng như phân bổ kinh phí thi đấu.

Song cần giải quyết những bất cập, vướng mắc mà các LĐ, HHTT của thành phố phải đối mặt; trong đó, nên ưu tiên với các LĐ, HHTT đang hoạt động hiệu quả như LĐ Cầu lông, LĐ Quần vợt để những LĐ này có thể đóng góp tốt hơn vào sự phát triển chung của thể thao Đà Nẵng.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.
.