.

Sôi động vòng loại Robocon 2014

.

ĐTĐT - Ngay sau lễ khai mạc vòng sơ loại Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2014, sáng nay (3-4), tại Trung tâm Giáo dục Thể chất Đại học Đà Nẵng, 5 “gia đình” robot đầu tiên (trong tổng số 20 đội) đã bắt đầu thi đấu vòng tròn một lượt.

Robot con của các đội được chế tạo tinh xảo, linh hoạt, thực hiện nhiệm vụ đi bộ trên cột khá khó.
Robot con của các đội được chế tạo tinh xảo, linh hoạt, thực hiện nhiệm vụ đi bộ trên cột khá khó.

Ngóng chờ… shabaash

Do đặc thù của đề thi là robot cha mẹ đưa robot con lên chơi cầu bập bênh (seesaw), đi bộ trên cột (pole walk), chơi xích đu (swing) và leo cầu thang vận động (jungle gym) nên các đội đã thiết kế, chế tạo robot cha mẹ được điều khiển bằng tay khá cồng kềnh, chủ ý sử dụng hệ truyền động và điều khiển bằng khí nén với các thao tác chính như: di chuyển, mang vác, nâng, hạ robot con và cơ cấu đẩy cầu bập bênh, xích đu.

Trong khi đó, robot con được chế tạo có hình thù khá giống một con châu chấu với 2 chân chính là 2 cánh tay với cơ cấu kẹp chặt để vừa kẹp chặt, vừa di chuyển trên 5 cột thẳng đứng và leo lên cầu thang vận động được điều khiển hoàn toàn tự động. Các robot con của Trường ĐH Duy Tân được thiết kế khá ấn tượng với khả năng quay thân nửa vòng tròn (nhào lộn) và kẹp chặt vào cột hoặc thanh bậc thang tiếp theo, trông chẳng khác một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp.

Qua theo dõi những ngày các đội robot chạy thử sân, các robot được chế tạo tinh xảo, thông minh và hoạt động linh hoạt, nhịp nhàng hơn mọi năm, vì vậy, khán giả đã đến chật kín nhà thi đấu để xem, cổ vũ và mong ước được chứng kiến nhiều chiến thắng tuyệt đối shabaash.

Tuy nhiên, 5 đội robot đầu tiên thi đấu khá chậm rãi, thận trọng và dường như không buông hết khả năng bởi mỗi bảng đấu chỉ loại 1 đội, 4 đội còn lại tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Chính vì thế, đa số các trận đấu đều kết thúc với số điểm giành được trên dưới 10 điểm, tức chỉ hoàn thành nhiệm vụ chơi cầu bập bênh.

Đáng tiếc là đội DTU-CDN của Trường ĐH Duy Tân đã hoàn thành 3 nhiệm vụ: chơi cầu bập bênh, đi bộ trên cột, chơi xích đu và robot con đã vừa nhào lộn, vừa leo lên đến bậc thang trên cùng nhưng hiệu lệnh hết giờ thi đấu đã vang lên trước khi kịp phất lá cờ giành chiến thắng tuyệt đối shabaash trên đỉnh cầu thang vận động, đành ngậm ngùi giành chiến thắng với 80 điểm.  

Kết thúc buổi thi đấu đầu tiên, 4 đội robot giành quyền thi đấu vòng 2 là: DTU-CDN, DTU-CMU1 (Trường ĐH Duy Tân), BKD-Final (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) và KT-VT01 (Trường ĐH Thông tin và Liên lạc).

4 lần phất cờ chiến thắng shabaash

Buổi chiều cùng ngày, ngay trận đấu đầu tiên của vòng đấu loại bảng C, đội DTU-Eros của Trường ĐHDuy Tân đã giành chiến thắng tuyệt đối shabaash trước đội DTU-Lion cùng trường khi trận đấu còn 4 giây nữa là kết thúc. Cả 8 đội robot của trường này tham gia vòng sơ loại Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm nay đều có thiết kế robot, chiến thuật thi đấu giống nhau và đều có tốc độ thi đấu cao, ổn định, nên chiến thắng này của đội DTU-Eros như liều thuốc thử khả năng thực sự của các đội robot của trường.

Tuy nhiên, điều làm khán giả bất ngờ nhất chính là sự thể hiện của 3 đội robot đến từ Trường CĐ Nghề Công nghệ Hà Tĩnh với robot điều khiển bằng tay và robot điều khiển tự động (robot con) có thiết kế giống nhau và đều có tốc độ cao, hoạt động ổn định, hiệu quả. Trong đó, robot con có kết cấu cơ khí đơn giản, điều khiển bằng điện kết hợp với khí nén và có cách đi bộ trên cột lẫn leo cầu thang vận động theo kiểu sâu đo rất hiệu quả, nhanh nhẹn.

Ngay trận đấu đầu tiên ra mắt khán giả, đội HaTinh Tech - Dragon của trường đã giành chiến thắng tuyệt đối shabaash trước đội BKD-DCT, một đội cực mạnh của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng ở bảng C sau 2 phút 47 giây của trận đấu. Các đội HaTinh Tech - Huracan và HaTinh Tech - Tân Phát đều có những trận thắng thuyết phục trước các đội robot của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Đông Á, ĐH Duy Tân…

Cục diện ở bảng C trở nên hấp dẫn, kịch tính khi đội DTU-Eros giành thêm một chiến thắng tuyệt đối shabaash trong trận đấu với đội BKD-DCT sau 2 phút 55 giây thi đấu. Vì thế, cuộc đối đầu giữa HaTinh Tech - Dragon và DTU-Eros trở nên đáng xem, không chỉ xác định đội nào mạnh hơn, còn kiểm chứng sự ổn định, tốc độ và chiến thuật thi đấu giữa 2 trường phái thiết kế, chế tạo robot.

Diễn biến trên sân thi đấu cho thấy sự khác biệt, sau 2 trận giành chiến thắng tuyệt đối liên tiếp, các robot của DTU-Eros đã không còn giữ được sự ổn định, hiệu quả như 2 trận đấu trước, mà liên tục gặp trục trặc kỹ thuật phải retry (khởi động lại robot). Trong khi đó, HaTinh Tech - Dragon điềm tĩnh đưa robot con chơi cầu bập bênh, xích đu, đi trên cột, leo lên cầu thang vận động và phất lá cờ chiến thắng shabaash chỉ sau 2 phút 37 giây của trận đấu, lập một kỷ lục mới về thời gian giành chiến thắng tuyệt đối nhanh nhất của mùa Robocon năm nay. Đây cũng là chiến thắng shabaash cuối cùng của ngày thi đấu đầu tiên.

Là chủ nhà của Vòng chung kết Robocon Việt Nam năm 2014 (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), sau vòng đấu bảng, cả 4 đội robot của Trường ĐH Thông tin và Liên lạc (tiền thân là Trường Sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật thông tin) đều chưa chứng tỏ được thực lực của mình với việc thiết kế, chế tạo robot cũng như chiến thuật thi đấu không nổi bật. Cả 4 đội đều giành quyền đi tiếp vào vòng trong do các robot của 2 đội ĐA-PC1 và ĐA-PC2 của Trường ĐH Đông Á khá yếu, còn robot của 2 đội DTU-Lion (Trường ĐH Duy Tân) và BKD-B7 (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) liên tục bị trục trặc kỹ thuật, bị loại sau vòng đấu bảng.

Sau một ngày thi đấu “khởi động” và dạo chơi, ngày thi đấu tiếp theo (4-4) hứa hẹn có nhiều chiến thắng tuyệt đối shabaash bởi với mỗi đội, từ đây bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt giành một trong 6 tấm vé đại diện khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia Vòng chung kết Robocon Việt Nam năm 2014 tổ chức tại TP Nha Trang vào đầu tháng 5-2014.

HOÀNG HIỆP

 

;
.
.
.
.
.