Đưa múa rối nước đến gần công chúng

.

ĐNO - Tối 31-3, tại khu vực Công viên Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu, một sân khấu múa rối nước ngoài trời đã được dựng lên, thu hút hơn 400 người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp đến thưởng thức.

Chú tễu
Một tiết mục biểu diễn múa rối nước tại chương trình.

Với mong muốn giới thiệu và đưa nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống đến gần với công chúng, sinh viên ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện, Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic (cơ sở Đà Nẵng) đã tổ chức chương trình Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước tại Công viên Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu. Chương trình mở cửa tự do cho mọi đối tượng.

Qua chương trình, công chúng được biết đến hai loại nghệ thuật: múa rối nước (với 8 tiết mục: trình diễn chú Tễu, múa rồng, múa lân tranh cầu, múa phượng, cáo bắt vịt, đánh cá, bát Tiên, tứ linh hội tụ) và múa rối cạn (với 3 tiết mục: vũ nữ Apsara, múa bụng Ấn Độ, vũ điệu La tinh). Các tiết mục được trình diễn bởi những nghệ nhân đến từ Nhà hát múa rối Cố đô Huế.

Đánh cá
Những con rối được tạo hình gần gũi với đời sống của người Việt, thể hiện nét đặc trưng của người nông dân vùng châu thổ sông Hồng.

Nắm thông tin chương trình qua lời giới thiệu của bạn bè, muốn con được biết đến những văn hóa truyền thống đẹp đẽ của cha ông, chị Lê Thị Hoài Thương (35 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đã dẫn con đến xem chương trình từ sớm. Cả hai chọn vị trí ngồi ngay chính diện, gần sân khấu để có thể thưởng thức những tiết mục thật trọn vẹn.

“Đã từng xem trên tivi nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi và con được xem trực tiếp. Việc được xem như vậy khiến mình cảm giác có sự kết nối gần gũi hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về cái hay của nghệ thuật truyền thống. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình như thế này để không chỉ các bé mà ngay cả người lớn chúng tôi cũng yêu hơn những giá trị văn hóa rất giàu đẹp mà thế hệ trước đã để lại. Đây cũng là cách để có thể bảo tồn những giá trị truyền thống”, chị Thương chia sẻ.

Tương tự chị Thương, bà Nguyễn Thị Độ (60 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng lần đầu được xem trực tiếp nghệ thuật múa rối nước ở một không gian gần.

Bà Độ cho hay, bà rất thích nghệ thuật truyền thống nhưng ít có cơ hội được tiếp cận, được thưởng thức các chương trình nghệ thuật ở khoảng cách gần, chủ yếu là xem qua tivi hoặc điện thoại. Vì vậy, chương trình đã mang đến cho bà một buổi tối cuối tuần thật ý nghĩa.

“Chương trình được tổ chức rất chu đáo và thú vị. Cuối tuần thay vì ở nhà thì mình đi xem những chương trình này, vừa hay vừa bổ ích, vừa nâng cao đời sống tinh thần. Xem trên tivi thích 1 thì xem trực tiếp lại thích 10”, bà Độ nói.

Tiết mục múa rối nước
Tiết mục múa rối nước "Cáo bắt vịt".

Trần Thị Thúy Bình (sinh viên năm 2 ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện), thành viên ban tổ chức bày tỏ, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc và rất riêng của Việt Nam nhưng nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ vẫn chưa được biết đến. Vì vậy, các thành viên ban tổ chức đã quyết định chọn loại hình nghệ thuật dân gian này để công chúng được tiếp cận nhiều hơn.

“Là một người trẻ, là một sinh viên đang theo học lĩnh vực truyền thông, bản thân em cũng như các bạn khác luôn khao khát được đóng góp một sức nhỏ trong việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc. Thêm một người biết đến múa rối nước là thêm cơ hội để những giá trị văn hóa truyền thống được sống mãi với thời gian”, Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình An, Giám đốc FPT Polytechnic Đà Nẵng cho biết: “Qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn lan tỏa nét đẹp của loại hình nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với cộng đồng. Đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống của người trẻ đối với văn hóa dân tộc. Chương trình lần này sẽ là tiền đề để nhà trường cùng các bạn sinh viên tiếp tục tổ chức những chuỗi chương trình nghệ thuật ý nghĩa khác hướng về cộng đồng”.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
.