.
Xã hội hóa thiết chế văn hóa

Kỳ cuối: Tìm hướng xã hội hóa phù hợp

.

Năm 2016, UBND thành phố có chủ trương giao các quận, huyện đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó, chú trọng kêu gọi nguồn lực xã hội hóa theo hai hướng chính là đầu tư công - quản lý tư và đầu tư tư - sử dụng công.

Xã hội hóa thế nào để bảo đảm lợi ích của người dân?  Trong ảnh: Trẻ em chơi bóng trên nền xi-măng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê, trong  khi tại đây có đến 2 sân bóng cho tư nhân khai thác. Ảnh: NGỌC HÀ
Xã hội hóa thế nào để bảo đảm lợi ích của người dân? Trong ảnh: Trẻ em chơi bóng trên nền xi-măng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê, trong khi tại đây có đến 2 sân bóng cho tư nhân khai thác. Ảnh: NGỌC HÀ

Đầu tư công - quản lý tư: Tăng năng lực quản lý

Ông Lê Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao (TTVHTT) quận Hải Châu cho hay, một thực tế tồn tại bấy lâu nay tại các trung tâm là “cha chung không ai khóc”, khi cơ sở vật chất hư hỏng thì gặp khó khăn về tài chính nên rất khó trong tu bổ, sửa chữa. Trong khi giao cho tư nhân hạng mục nào đó, hư hỏng một chút là họ lo sửa, bảo quản cẩn thận. Nếu không làm vậy, họ sẽ mất khách, mất doanh thu. “Nhưng nói như thế không có nghĩa là giao toàn bộ cho tư nhân, chúng tôi vẫn quản lý về mặt tổ chức, khi họ triển khai giải đấu lớn phải đề xuất với trung tâm và khi trung tâm cần tổ chức hoạt động vẫn có thể sử dụng mặt bằng. Cách làm hiện tại của chúng tôi là hoạt động theo hình thức liên kết, đầu tư công - quản lý vừa công vừa tư”, ông Tú Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc TTVHTT quận Thanh Khê cho rằng, hiện nay, cái được gọi xã hội hóa (XHH) tại các trung tâm chính là sự phối hợp giữa trung tâm và tư nhân trong việc cùng xây dựng phong trào. Chẳng hạn với sân bóng đá, trung tâm có đất, tư nhân có kinh phí thì giao cho tư nhân đầu tư, khai thác. Tuy nhiên, vẫn có những chế tài, quy định, nếu không, khi trung tâm cần sân bóng phải đi thuê ngược lại tư nhân thì chưa chắc được!?

Do đó, theo nhiều ý kiến, thực hiện mô hình đầu tư công - quản lý tư phải có những cam kết rõ ràng về mức độ quản lý tư. Với những vị trí khó kêu gọi đầu tư, trước mắt thành phố nên đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, sau đó mới kêu gọi XHH.

Đầu tư tư - sử dụng công: Cân nhắc lợi ích của người dân

Mô hình này được xem là mới mẻ, chưa từng có tại Đà Nẵng. Theo nhiều ý kiến, một khi doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư từ A đến Z thì họ phải đặt quyền lợi lên trên hết và bằng mọi cách tạo ra doanh thu. Liệu như thế, tư nhân sẽ dành cho sử dụng công bao nhiêu và sử dụng công như thế nào?

Dẫn chứng trường hợp XHH Nhà văn hóa Bình Thuận (phường Bình Thuận, quận Hải Châu), một cán bộ quận Hải Châu cho biết, từng có nhà đầu tư đề nghị bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây mới toàn bộ khu này dành cho hoạt động thể thao, văn hóa. “Tuy nhiên, do không thỏa thuận được những lợi ích dành cho sử dụng công nên lãnh đạo quận từ chối và xin chủ trương thành phố đầu tư nhà vòm và chỉ vận động XHH mô hình cà-phê sách tại đây”, vị cán bộ này cho biết.

Tại cuộc họp gần đây với lãnh đạo thành phố, đại diện UBND quận Cẩm Lệ xin chủ trương XHH khu đất gần TTVHTT quận, đã nằm trong quy hoạch phường Hòa Thọ Tây để cho tư nhân thuê khai thác. Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND quận Cẩm Lệ lập đề án cụ thể, trong đó làm rõ vấn đề giao cho tư nhân đầu tư nhưng người dân phải được sử dụng, nghĩa là sẽ có nơi thu tiền, có nơi miễn phí. Nếu đề án này trở thành hiện thực, thì đây là mô hình đầu tư tư - sử dụng công đầu tiên tại Đà Nẵng, với ưu điểm tận dụng được nguồn vốn tư nhân và cách thức quản lý của tư nhân.

Nhìn nhận về mô hình này, ông Lê Tú Anh cho rằng, có thể thí điểm một số nơi, đầu tiên là quận Cẩm Lệ, sau đó nếu được sẽ nhân rộng, không nên làm ồ ạt và quan trọng phải có chế tài, quy định chặt chẽ.

Không thể người dân đụng vào cái gì cũng phải trả tiền

 “Một thực tế là TTVHTT hiện nay đều có sân bóng, nhưng đa phần cho tư nhân khai thác, trong khi lũ trẻ vào đó lại phải đá bóng trên nền bê-tông.Vậy người dân hưởng thụ được gì khi vào các thiết chế văn hóa? Dẫu biết rằng, ngân sách Nhà nước không thể bao cấp nổi, nên phải có những hạng mục XHH, nhưng nhất thiết phải có các hạng mục công cộng mang lại phúc lợi cho người dân tại địa phương. Chứ như hiện nay và cách các ngành hướng tới, người dân vẫn chưa được hưởng thụ đầy đủ, đụng vào cái gì cũng bỏ tiền”, anh Lê Thành (người dân phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nêu ý kiến.

Đã đến lúc phải thay đổi cách làm

Tại cuộc họp bàn về XHH thiết chế văn hóa quận Cẩm Lệ giữa tháng 6-2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trăn trở, trong thời gian qua, thiết chế văn hóa cơ sở được Nhà nước đầu tư nhiều nhưng quản lý chưa hiệu quả, để xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa. Theo ông Đặng Việt Dũng, đã đến lúc thay đổi cách làm; giao quận Cẩm Lệ xây dựng đề án XHH cụ thể, nếu thực hiện XHH tại Cẩm Lệ thành công thì sẽ lấy đó làm điểm triển khai tại nhiều địa phương.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.