.

Xã hội hóa thiết chế văn hóa

.

Thời gian qua, các thiết chế văn hóa cơ sở như trung tâm văn hóa-thể thao quận, huyện, phường, xã... được thành phố đầu tư nhằm nâng cao sự hưởng thụ văn hóa của người dân. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư chỉ mới đáp ứng “phần nổi” về cơ sở vật chất, trong khi các hạng mục thể thao, giải trí vẫn còn bỏ ngỏ.

Hoạt động bóng bàn thu hút khá đông người chơi tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu kể từ khi được tư nhân đầu tư.                       Ảnh: NGỌC HÀ
Hoạt động bóng bàn thu hút khá đông người chơi tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu kể từ khi được tư nhân đầu tư. Ảnh: NGỌC HÀ

Kỳ 1:  Vừa làm, vừa tính

Để hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao không quá im lìm, các quận, huyện mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa một số hạng mục và bước đầu đã có hiệu quả nhất định, nhưng vẫn trong tình trạng... vừa làm, vừa tính.

Sôi động hơn từ xã hội hóa

Những ngày hè, người dân đến chơi cầu lông, bóng bàn khá đông tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao (TTVHTT) quận Hải Châu. Hoàng Bảo (12 tuổi, phường Hải Châu 2) cho biết, em chơi bóng bàn được 2 năm và chơi thường xuyên vào dịp hè. “Đến đây, em được các anh chị trong Câu lạc bộ BMB (câu lạc bộ những người yêu thích bóng bàn Đà Nẵng - PV) chỉ dạy nên tiến bộ rất nhanh và ngày càng yêu thích môn thể thao này”, Hoàng Bảo chia sẻ.

Theo ông Lê Tú Anh, Giám đốc TTVHTT quận Hải Châu, có được sự sôi nổi như hôm nay là nhờ từ năm 2014, trung tâm kêu gọi tư nhân vào đầu tư, điển hình là Câu lạc bộ BMB. Khi vào đây, BMB bằng mọi cách thu hút tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là thanh-thiếu niên. Họ thường xuyên mở lớp, cử những thành viên có chuyên môn hướng dẫn học viên, tổ chức các giải đấu bóng bàn, cầu lông thường niên với quy mô lớn, tạo sân chơi hằng tuần cho những người yêu thích bộ môn này... “Bộ mặt của trung tâm thay đổi, có sức sống, chứ trước đây buổi tối vắng vẻ lắm. Không chỉ vậy, từ các lớp bóng bàn, cầu lông này đã xuất hiện nhiều vận động viên nòng cốt cho phong trào thể thao của quận”, ông Tú Anh nói.

So với quận Hải Châu, TTVHTT quận Thanh Khê có vị trí và diện tích lý tưởng cho hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện nay, ngoài các lớp yoga, aerobics, võ thuật, trung tâm có 4 sân bóng đá mini, sân tennis, hồ bơi... Ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc TTVHTT quận Thanh Khê cho biết, sân tennis do quận đầu tư và mỗi năm nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng; bên cạnh đó, sân bóng kêu gọi tư nhân đầu tư và cũng mang lại doanh thu đáng kể. “Khi tư nhân cùng tham gia, chất lượng các giải đấu được nâng cao từ công tác tổ chức, giải thưởng, chuyên môn... Từ đó, hoạt động thể thao nhân rộng, lôi kéo người dân đến tham gia, cổ vũ; hiệu quả hoạt động của trung tâm cải thiện”, ông Kiệt cho biết.

Trong khi đó, việc kêu gọi xã hội hóa (XHH) của TTVHTT các quận còn lại đang gặp khó vì nhiều lý do như: đời sống người dân địa phương chưa cao, vị trí không thuận lợi... Tuy nhiên, các quận cũng nỗ lực XHH bằng cách kêu gọi tư nhân đầu tư sân bóng đá, sân tennis... “Ở quận vùng ven, người dân ít thuê sân tennis hay sân bóng như các quận trung tâm, dù giá thuê thấp hơn. Chúng tôi đã đề nghị UBND quận cho XHH sân tennis để đỡ về mặt quản lý và phát huy hiệu quả”, ông Huỳnh Bá Dương, Giám đốc TTVHTT quận Ngũ Hành Sơn nói.

Nhưng vẫn còn khó

Ngoài TTVHTT quận Hải Châu đang chờ xây mới, TTVHTT quận Liên Chiểu tiến hành xây dựng giai đoạn 2; các trung tâm còn lại tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang đều đã hoàn thiện cơ sở vật chất. Song, theo báo cáo mới nhất của Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động nổi bật tại hầu hết các trung tâm vẫn là thể thao, còn văn hóa, vui chơi giải trí thì rất thiếu, chỉ có vài lớp năng khiếu nghệ thuật và một ít trò chơi đơn giản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Tuấn Kiệt cho rằng, hiện TTVHTT quận Thanh Khê cho thuê với giá rất thấp để tư nhân mở một số trò chơi trẻ em như: tàu lửa, tô tượng, đu quay... Tuy nhiên, sức thu hút của những trò chơi này không còn như trước. Nhưng để đầu tư một khu vui chơi, giải trí hiện đại thì cần không gian rộng lớn hơn, vì thế, nhà đầu tư chẳng ai chịu vào trung tâm.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Soạn, Giám đốc TTVHTT quận Sơn Trà chia sẻ, hoạt động vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi tại trung tâm chỉ xoay quanh mấy trò quen thuộc, nhưng cũng gặp khó khi kêu gọi XHH, huống gì tổ chức các trò chơi hiện đại. “Chính sách về XHH chưa rõ ràng, thời hạn ký hợp đồng quá ngắn, tư nhân chưa mặn mà. Vì thế, trung tâm vẫn trong tình thế vừa làm, vừa tính”, ông Soạn nói.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.