.
NHÀ THƠ – HỌA SĨ BÀNG SĨ NGUYÊN

Nổi danh từ núi rừng, ở ẩn trong thành phố!

.

Sớm nổi danh từ núi rừng chiến khu Việt Bắc, trở thành một trong 37 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, trải qua bao thăng trầm và ưu tư sầu muộn, gần cuối đời lại ở ẩn giữa lòng thành phố phương Nam, hành trình của bậc lão thành Bàng Sĩ Nguyên (1925 - 2016) ngẫm cũng thật kỳ lạ.

Nhà thơ – họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên
Nhà thơ – họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên

Sớm nổi danh từ núi rừng chiến khu Việt Bắc

Sông Hinh là huyện miền núi phía đông Tây Nguyên nhưng về địa lý hành chính lại thuộc tỉnh Phú Yên. Đây là “cái mỏ” sử thi, nơi sinh ra nhà thơ Y Điêng, nhạc sĩ Kpa Y Lăng, ca sĩ Măng Thị Hội,... và nằm kề quê hương của Anh hùng Núp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi lên vùng đất mới đang xây dựng thủy điện dự định tìm việc. Một sáng mờ sương đầu xuân, bên ly cà-phê ở thị trấn Hai Riêng của Sông Hinh, nhìn những cặp vợ chồng người Êđê đi ngựa ngang qua, tôi nghe một anh bạn bàn bên đọc thơ:

“Núi rừng xa mờ xanh với xanh
Đường non như lưng rồng uốn khúc
Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước
Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh

Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân
Sương sớm còn che như lấp lối
Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân
Vợ thương ghìm cương dừng ngựa lại
Một dãy rừng mai hoa ướt sương…”

Anh bạn vừa ngừng đọc, một anh khác hỏi: “Y sĩ cũng làm thơ à?”. “Thời đi học y tôi có làm thơ những lúc nhớ nhà, nhớ người yêu. Nhưng bài thơ trên không phải của tôi mà là của tác giả Bàng Sĩ Nguyên, tôi tình cờ đọc và thuộc được mấy đoạn. Ra trường, lên Sông Hinh làm việc ở vùng cao tôi càng thích bài thơ này khi nhìn người dân tộc đi chợ xuân. Tiếc là tôi không thuộc hết cả bài”.

Nghe anh y sĩ yêu thơ chân thành, tôi quay sang bàn bên góp chuyện: “Đó là bài Vợ chồng đi chợ xuân của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp khi ông ở chiến khu Việt Bắc. Hình ảnh trong bài thơ là vợ chồng người H’Mông. Bàng Sĩ Nguyên là em ruột của nhà thơ Bàng Bá Lân - tác giả hai câu thơ nổi tiếng mà nhiều người nhầm là ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân còn ba khổ nữa tôi sẽ chép lại tặng anh”. Anh y sĩ thốt lên: “Ồ, vậy thì hay quá. Hôm nay tôi xin trả tiền cà-phê cho bàn của các anh”. Tôi liền xin cô chủ quán trẻ một tờ giấy học trò, chép phần còn lại của bài thơ tặng cho anh bạn y sĩ.

Nhờ bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên mà tôi có thêm tình bạn và một kỷ niệm đẹp ở Sông Hinh, dù tôi không có duyên làm việc ở vùng cao này. Về sau được gặp nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên ở thành phố Hồ Chí Minh, nghe tôi kể câu chuyện, ông rất vui và mời tôi tới nhà ông ở đường Hòa Hưng chơi. Ông hẹn sẽ vẽ tặng tôi một bức tranh với cảm hứng từ bài thơ trên. Vào lễ hội thơ xuân 2016 vừa qua, gặp tôi ở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, ông còn nhắc về bức tranh…

Có thể nói bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân trong trẻo, hồn nhiên đã đặt một cột mốc quan trọng cho sự nghiệp thi ca của Bàng Sĩ Nguyên, và theo tôi đây là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt thời kỳ 1945-1954. Không chỉ thể hiện sinh động và tài tình bức tranh đời sống miền núi, mà Bàng Sĩ Nguyên còn cho thấy sự thẩm thấu nhanh nhạy và tinh tế bản sắc văn hóa khác biệt. Bài thơ là tác phẩm hòa quyện phẩm chất họa sĩ và thi sĩ của một tài năng. Giữa hoàn cảnh chiến tranh, ông vẫn “chộp” được khoảnh khắc đẹp của cuộc sống chiến khu núi rừng vốn tự do ngàn đời của các dân tộc thiểu số anh em.

Một trong những nét độc đáo của thơ Bàng Sĩ Nguyên là ông tìm thấy vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau những bộn bề, phức tạp, cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Và cái chất thiền “sắc sắc không không” sớm bàng bạc và dần định hình về sau trong thơ ông. Cũng trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, bị địch bủa vây bốn bề, ông có bài thơ bốn chữ Tắm trong lửa rất độc đáo: “Mình đã bị vây/ Đèo khô núi xác/ Nước uống trữ được/ Nước tắm chẳng còn/ Lấy nước thì lộ/ Tắm lửa mà hơn/ Đào hầm thoát hỏa/ Thay nhau nhảy vào/ Nóng không chịu nổi/ … Ta như đất sống/ Nung chín dựng nhà/ Ta hóa thành thép/ Ra lò lửa nung/ Đầu đau thay lửa/ Lưỡi ráo da khô/ Lửa than tàn hết/ Mắt hoa đất trời…

Nếu không dấn thân vào đời sống thực tế chiến trường ác liệt và lãng mạn thì làm sao có thể dựng được một không khí thơ tưởng chừng… khó nên thơ ấy. Tắm trong lửa một lần nữa cho thấy sự hòa quyện giữa phẩm chất thi sĩ và họa sĩ của Bàng Sĩ Nguyên để dệt nên một tứ thơ giàu thi ảnh lẫn sử liệu mà hiếm có sách sử nào ghi lại vào giai đoạn này. Điều ấy cũng lý giải vì sao tài thơ Bàng Sĩ Nguyên sớm nổi danh ở núi rừng chiến khu Việt Bắc, đó là chưa kể khả năng hội họa của ông.

Chọn cách ở ẩn cuối đời giữa lòng thành phố phương Nam

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên tên khai sinh là Bàng Khởi Phụng, vốn thuộc dòng dõi nhà Lý, một trong những triều đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc nhưng kết thúc đầy bi thương. Ông quê làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng sinh tại Bắc Giang trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và sáng tạo văn học nghệ thuật. Cha của ông là Bàng Nguyên Dũng môn sinh của Trường Đông Kinh nghĩa thục. Ngoài anh ruột là nhà thơ tiền chiến nổi tiếng Bàng Bá Lân, ông còn một người anh khác là Bàng Thúc Long và một người em ruột là Bàng Sĩ Tân cũng đều say mê văn chương, hội họa.

 Bàng Sĩ Nguyên còn là cha của bảy người con mà phần lớn đều đi theo con đường văn hóa như nhà thơ Bàng Ái Thơ, họa sĩ Bàng Phương Chính, họa sĩ Bàng Sĩ Trực, nhà lý luận Bàng Thục Bân,… Đến thế hệ cháu cũng có những người nối nghiệp ông, tiêu biểu như họa sĩ trẻ đương đại Bàng Nhất Linh. Không chỉ là một tài năng sáng tạo, Bàng Sĩ Nguyên còn là người cha, người ông nghiêm cẩn, hết lòng yêu thương và nuôi dạy con cháu nên người.

Thời niên thiếu, Bàng Sĩ Nguyên học ở Trường tư thục Thăng Long - Hà Nội, thọ giáo thầy dạy sử Võ Nguyên Giáp. Tinh thần yêu nước của ông được nhen nhóm từ đó. Ông cùng bạn học nhiệt tình đóng kịch, mít-tinh, biểu tình chống chính quyền Pháp, Nhật. Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, quân Pháp tái xâm lược, ông lên chiến khu tham gia kháng chiến, làm báo quân đội và bước vào con đường sáng tạo văn chương, hội họa.

Kể từ năm 1954 về sau, Bàng Sĩ Nguyên về Hà Nội làm biên tập viên tuần báo Văn Nghệ, NXB Văn học, NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Đến năm 1985, ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục công tác cho tới khi nghỉ hưu, được chính quyền thành phố cấp cho một căn nhà và sống hẳn ở đây để sáng tác, nghiên cứu thiền học, tự làm thuốc chữa bệnh cho mình.

Khi nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tuổi cao sức yếu, con cháu từ Hà Nội vào mãi cố gắng thuyết phục ông trở ra miền Bắc nhưng không lay chuyển được ước muốn của ông gắn bó phần đời còn lại với thành phố phương Nam. Sinh thời, ông tâm sự: “Tôi vì khổ đau, vì khát vọng mà viết, mà cũng vì truyền thống gia đình như lời cha tôi thường bảo “nhà ta ai cũng phải cầm lấy cây bút mà sống”. Tôi không chịu ảnh hưởng hoặc chạy theo một phương pháp hay bút pháp sáng tác của ai. Tôi nghĩ đã làm tròn bổn phận”. Điều ông nói đã thể hiện rõ trên trang viết. Và có lẽ khi cảm thấy “đã làm tròn bổn phận” ông đã lặng lẽ và nhẹ nhàng từ giã cõi đời hóa vào “xa mờ xanh với xanh”, để lại một di sản sáng tạo nghệ thuật nổi chìm mà người đi sau còn phải khám phá.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đã xuất bản các tập thơ: Mùa hoa trên núi (1957), Ban đầu (1959), Ánh thép (1961), Trên mảnh đất của tình thương (1966), Nay mình hái quả(1972), Người con gái Bắc Sơn (1973), Hồn nhiên (1979), Khúc nhạc trầm hồn ngây dại (2006) và một số tập truyện. Đồng thời ông còn là họa sĩ có biệt tài vẽ nhanh; tranh của ông nằm trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước, tổ chức triển lãm cá nhân từ đầu thập niên 1970.

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.