.

Về Phong Lệ nghe chuyện mục đồng

.

Đầu xuân, chúng tôi về làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) để nghe kể chuyện mục đồng, chuyện về lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu mà GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho là có một không hai ở nước ta.

Trẻ em hào hứng tham gia lễ rước mục đồng làng Phong Lệ.
Trẻ em hào hứng tham gia lễ rước mục đồng làng Phong Lệ.

Tôn vinh trẻ chăn trâu    

Các cụ cao niên ở làng Phong Lệ kể lại rằng, truyền thuyết ngày xưa có cụ già đẹp như ông tiên đến làng. Cụ gần gũi với trẻ chăn trâu và được các em yêu mến. Khi qua đời, cụ được mai táng tại một khu đất cồn ở làng.

Bỗng một ngày, một người chăn vịt đi qua cồn và tự nhiên chân vịt dính chặt, không rút ra được. Dân làng lo sợ và lập đàn cầu khẩn, không dám đến gần cồn và cho rằng đó là cồn thần. Thế nhưng, đám trẻ chăn trâu hồn nhiên vẫn đến cồn chơi.

Lạ lùng thay, đám trẻ và những con trâu không bị dính vào cồn thần. Từ đó trở đi, cồn thần được cho là nơi chỉ có trẻ chăn trâu mới đến được. Ngẫu nhiên đó trở thành nơi tập trung, chơi đùa của các mục đồng trong làng. Cũng từ câu chuyện này, lễ hội độc đáo dành riêng cho trẻ chăn trâu đã ra đời và được gọi là lễ rước mục đồng.

Ông Ngô Tất Hiền (63 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam) kể: Trong xã hội ngày trước, mục đồng được xem là tầng lớp dưới của xã hội. Thường những nhà giàu sở hữu rất nhiều trâu và thuê trẻ em nhà nghèo đến chăn trâu.

Vì thế, hình ảnh mục đồng thường là những đứa trẻ nghèo lấm lem bùn đất. Cuộc sống đi ở cho các chủ điền rất cơ cực với những bữa cơm thiếu thốn và những manh áo vá chống chọi cả cái rét mùa đông.

Dẫu thế, các em vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ với những trò chơi tự mình nghĩ ra và bên cạnh là những “người bạn” thân thiết: những con trâu mà hằng ngày các em chăn dắt. “Lễ rước mục đồng thực sự là lễ hội có ý nghĩa để tôn vinh trẻ chăn trâu. Trân trọng các em cũng là trân trọng những người lao động nghèo khó, bởi chính họ là những người góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội”, ông Hiền nói.

Vậy là ngày ấy, cứ đến lễ rước mục đồng, nhà chủ điền phải đầu tư tiền bạc và công sức để phục vụ trẻ chăn trâu. Với đám trẻ chăn trâu, lễ rước mục đồng thực sự là ngày vui nhất trong năm bởi chỉ đến ngày đó, các em mới được chủ điền cho ăn ngon, mặc đẹp.

Cần được bảo tồn

Những người lớn tuổi nhất ở làng Phong Lệ không nhớ chính xác lễ rước mục đồng bắt đầu từ khi nào, chỉ nhớ lần tổ chức quy mô nhất vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936); từ đó trở đi, cứ 3 năm, dân làng lại tổ chức lễ rước một lần. Chiến tranh loạn lạc, người ta tạm quên đi việc tổ chức lễ hội.

Năm 2007, trong một lần về thăm làng, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã tìm hiểu và đề xuất hỗ trợ kinh phí quyết tâm phục dựng lễ hội. Ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Phong Lệ, người chủ xướng trong hầu hết các hoạt động của lễ hội này cho biết, ngày đó, dân làng háo hức lắm.

Trong một tháng tất bật chuẩn bị, làng Phong Lệ vui như hội. Mọi người tập trung lại để luyện các phân đoạn, may quần áo, trang phục. Dân làng Phong Lệ còn mở hẳn một lớp để dạy cho các em hiểu về truyền thuyết mục đồng.

Đến năm 2010, Sở VH-TT&DL tiếp tục đầu tư phục dựng lễ hội lần thứ hai và đến năm 2014, dân làng tự tổ chức lễ hội lần 3 vào ngày 4-4 âm lịch. Vào ngày lễ, các mục đồng được tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, tập trung tại sân đình từ chiều hôm trước để chuẩn bị rạng sáng hôm sau khởi hành đến cồn thần ở phía đông làng.

Sau đó, lễ rước thần về đình làng cúng tế được thực hiện và vị trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng mục đồng Phong Lệ ta xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng”. Bấy giờ, đoàn mục đồng phía sau đồng thanh đáp lại: “Giá hạ! giá hạ!” (gieo giống xuống ruộng đồng). Tiếng hô kéo dài vang khắp ruộng đồng.

Sau đó, đoàn rước đi dạo đồng và về đình. Tương truyền đoàn rước đi qua đám ruộng nào thì năm đó ruộng sẽ tươi tốt, vụ mùa bội thu. Ông Nghĩa kể, dù là xe kiệu của quan lớn, khi đi qua gặp đoàn mục đồng cũng phải xuống kiệu để vọng, nếu không sẽ bị trẻ chăn trâu đánh đầu roi buộc phải xuống. Về đình làng, mâm lễ cúng Thần Nông chỉ có xôi và gà luộc vì Thần Nông đã ứng mộng không cho phép người dân trong làng cúng trâu hay bò bởi đây là những con vật có thể giúp dân làm nông.

Ở đó, đám trẻ chăn trâu lấm láp thường ngày được quyền ăn các món ngon và những vị chức sắc trong làng, trong huyện phải nghe theo mệnh lệnh của đám mục đồng. Trong khuôn khổ lễ hội mục đồng còn diễn ra các đêm hát tuồng, các trò chơi đánh cờ, kéo co, bịt mắt bắt vịt... “Lần đầu tiên được tham gia đóng mục đồng, con rất thích thú.

Qua lễ hội này, tụi con hiểu thêm về cuộc sống của những bạn chăn trâu nhà nghèo ngày trước”, em Nguyễn Đắc Lâm (13 tuổi, ở làng Phong Lệ), một trong những em đóng vai mục đồng tại lễ hội mục đồng thổ lộ.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đây là lễ hội chỉ có duy nhất tại Đà Nẵng và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện nét đẹp trong văn hóa, nhận thức của người Việt về giá trị của người lao động. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết của người lao động, các tầng lớp nhân dân, cùng ước mong mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tươi tốt.

Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức lễ hội gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. “Chúng tôi mong có sự hỗ trợ từ địa phương và các cơ quan chức năng để lễ hội này được duy trì, không bị mai một như đã từng xảy ra”, ông Nghĩa nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.