.

Chơi ốc vì yêu biển Việt Nam

.

HLV Phan Thanh Toại được nhiều người biết đến với vai trò Trưởng bộ môn bơi lặn thành phố Đà Nẵng, đồng thời là người thầy phát hiện ra VĐV Hoàng Quý Phước. Tuy nhiên, không nhiều người biết, anh còn là “tay chơi” ốc thứ thiệt với bộ sưu tập ốc đẹp và quý hiếm.

HLV Phan Thanh Toại giới thiệu chú ốc mực giấy quý hiếm.  					      Ảnh: HƯỚNG DƯƠNG
HLV Phan Thanh Toại giới thiệu chú ốc mực giấy quý hiếm. Ảnh: HƯỚNG DƯƠNG

Cứ ngỡ tất cả thời gian và đam mê của HLV Phan Thanh Toại đều dành cho đường đua xanh; thế nhưng, ngay cạnh hồ bơi của Trung tâm bơi lội Đà Nẵng, nơi anh làm việc hằng ngày, còn có một căn phòng rất đặc biệt. Đó là nơi anh lưu giữ, trưng bày hàng ngàn loài ốc.

Đặc biệt hơn nữa, lý do ban đầu đưa anh đến với đam mê sưu tập ốc không phải vì thích ốc, mà vì… tự ái dân tộc! Hầu hết ốc do anh sưu tầm đều là ốc biển thuộc các vùng biển Việt Nam.

“Ốc của tôi, biển của tôi”

Nếu được ai đó “hỏi thăm” về ốc, HLV Phan Thanh Toại sẽ lập tức sôi nổi kể ngay một vài chú ốc mới rinh từ đâu đó về. Anh cũng có thể sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ để chia sẻ chi tiết về “lý lịch”, tuổi đời, đặc điểm của từng con ốc.

Ấn tượng ban đầu đến với tất cả những ai đặt chân vào phòng làm việc của HLV Phan Thanh Toại ở CLB bơi lội Đà Nẵng là nhìn thấy la liệt các loài ốc. Ốc bé bằng hạt gạo đến ốc nặng vài kilôgam; ốc trắng muốt như pha lê, xanh thẳm lục bích hay rực rỡ sắc mặt trời và lãng mạn màu hồng phấn đều có. Ốc có tuổi đời đáng “cụ, kỵ” của người sở hữu chúng cũng góp mặt ở đây. Hỏi anh có nhớ mình sở hữu bao nhiêu con ốc, anh Toại… cười trừ, nói rằng tính số loài còn thống kê nổi, chứ số con thì đếm không hết.

Dù “ở nhờ” phòng làm việc của HLV thể thao nhưng mọi không gian đẹp và an toàn dường như đều được ưu tiên làm… chỗ nằm cho ốc. Ngay cả những chiếc tủ, ban đầu được dùng để trưng bày thành tích thi đấu; giờ những chiếc cúp, những tấm huy chương, bằng khen cũng được xếp gọn lại khi lượng ốc ngày một nhiều lên sau 10 năm sưu tầm.

Điều bất ngờ là HLV Phan Thanh Toại lần đầu đến với thú sưu tầm ốc không phải vì thích ốc. Mọi việc xuất phát từ một cuốn sách anh được tặng cách đây tròn 10 năm. “Năm 2005, tôi đưa Hoàng Quý Phước sang Trung Quốc tập huấn. Lúc ấy, tôi được một người bạn tặng cuốn sách viết bằng tiếng Hoa có chủ đề: 500 loài ốc biển đẹp nhất của Trung Quốc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố biển, từ nhỏ đã được thấy quê mình có biết bao loài ốc đẹp. Ốc có đặc tính rất kỳ lạ, có thể xem ốc như “thổ địa” của một vùng, miền. Ở mỗi vùng biển sẽ có những loài ốc đặc trưng mà vùng khác không có. Chỉ ở những đoạn dòng nước giao nhau mới có các loài ốc cơ bản giống nhau. Qua hình ảnh và nội dung trong cuốn sách, tôi nhận thấy quá trời loài ốc có đầy ở Việt Nam. Điều này khiến tôi cảm thấy hơi… bực, tại sao Trung Quốc lại vô tư khẳng định đó là ốc của họ. Điều này đã thôi thúc tôi bắt tay vào sưu tầm ốc Việt Nam”.

Mong có nhiều người trẻ tiếp cận bộ sưu tập

Sự... tự ái ban đầu không ngờ đã đưa anh Toại vào niềm đam mê thực sự với những chú ốc. Trong mắt vị HLV này, mỗi con ốc là một tuyệt tác của tạo hóa. Có những loài anh chỉ sở hữu một hoặc hai con, nhưng có những loài anh có đến vài chục con. Hướng mắt về đàn ốc, anh nở nụ cười đầy thích thú: Nhìn qua thấy giống nhau vậy đó, nhưng thiên nhiên kỳ lắm,“nặn” ra không con nào giống con nào.

Đối với anh, tiêu chí chọn ốc là đa dạng và lạ. Màu sắc lạ, hình thù lạ, đột biến. Vì vậy, trong bộ sưu tập của anh, không ngạc nhiên khi có những chú ốc hình chiếc lá, chiếc loa, tai Phật, bàn tay, bình trà và độc nhất vô nhị về kích cỡ, hình thù. Có cả ốc, cua, ghẹ hóa thạch và được xem là “hóa thạch sống của thế giới động vật”. Nhiều loài sò, ốc vô cùng đẹp mắt trong số đó được mang về từ các quần đảo của Việt Nam. Anh nói: “Sách Trung Quốc khẳng định có 500 loài ốc đẹp, nhưng ở đây tôi có cả ngàn loài rồi. Việc sưu tầm sẽ không bao giờ dừng lại vì tôi còn muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa”.

Để có hàng ngàn loài lạ và đẹp đó, anh Toại đã bước vào một “cuộc chơi cũng lắm công phu”. “Lúc đầu, tôi ra biển Thọ Quang của mình đợi ngư dân kéo lưới lên rồi lượm ốc đẹp mang về. Đến nay, tất cả các vùng biển tại Việt Nam tôi đều đi qua với mục đích duy nhất: sưu tầm ốc. Có khi vừa đi công tác từ Hà Nội trở về Đà Nẵng, nghe tin tại Nghệ An phát hiện loài ốc lạ, vậy là tôi lập tức bay trở ra. Đến nơi tìm mãi nhưng không có, đành bay về trong tiếc nuối”, anh Toại chia sẻ. Chuyện anh Toại bay tới, bay lui vì một con ốc, rồi bao bọc và ôm khư khư ốc trong lòng về đến nhà, từng bị cho là điều thật… vô lý. Dần dần, đàn ốc của anh phong phú và đẹp lên từng ngày khiến mọi người mê theo.

Giữ cho ốc còn nguyên vẻ đẹp qua ngày tháng lại là câu chuyện kỳ công khác. Anh Toại chia sẻ, xử lý ốc để bảo quản mà vẫn giữ được màu sắc, độ bền không phải dễ. Không thể lấy ruột ốc bằng nhiệt (như nấu hoặc để dưới ánh nắng trực tiếp). Đối với vỏ ốc bị hàu bám, anh phải dùng đến đồ nghề của thợ kim hoàn và tỉ mẩn làm sạch từng lớp. Nhiều con ốc có vỏ cực kỳ mỏng manh, dễ vỡ nên khi làm vệ sinh hay bảo quản cần được “nâng hơn nâng trứng”.

Trong tất cả số ốc mình có được, anh Toại thích nhất là con ốc mực giấy (tên khoa học là Aegonau argo linnaeus) được tìm thấy vào năm 1758. Vỏ có màu trắng, cong mềm mại và nhẹ như giấy, bên trong chứa thân… mực. Theo anh Toại chia sẻ, con ốc mực giấy này thuộc loại quý hiếm và thế giới từng ghi nhận con lớn nhất có kích cỡ 223mm. Trong khi đó, anh đang sở hữu con có kích thước 280mm. Một người nước ngoài ngỏ ý mua lại với giá cao, song anh thẳng thắn từ chối.

Điều ao ước lớn nhất của anh Toại khi trong tay đã có bộ ốc khá đa dạng, đó là ngày càng nhiều trẻ em, học sinh được tiếp cận với những chú ốc này. Qua đó, các em hiểu thêm về các vùng biển, đảo Việt Nam. 10 năm nay, anh cất giữ ốc trong phòng làm việc nên không có nhiều trẻ em biết để đến xem. Nếu phải trưng bày ra nơi công cộng thì anh chưa biết phải quản lý số ốc này như thế nào.

Anh mong muốn được chia sẻ bộ sưu tập ốc của mình với các bảo tàng tại Đà Nẵng để việc bảo quản và giới thiệu đến công chúng, nhất là trẻ em, được phổ biến hơn. Nếu các bảo tàng cần cả bộ sưu tập của anh, anh cũng sẵn sàng đồng ý và dành thời gian ghi chú cụ thể cho từng loài ốc.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.