.

Nhiều phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa

.

Qua 2 tháng, đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng khai quật khảo cổ học tại vườn đình Khuê Bắc, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); đào thám sát phế tích tháp Chăm-pa Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và khảo sát phế tích tháp Chăm-pa Gò Giản, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã cung cấp những bằng chứng mới về văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa và Đại Việt của vùng đất Đà Nẵng xưa cách đây từ 2.000 - 3.000 năm.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn thành phố năm 2015 diễn ra chiều 1-7.

Qua khai quật, thám sát 3 địa điểm trên cho thấy, tại vườn đình Khuê Bắc, di chỉ cư trú có nhiều di vật vô cùng phong phú và nhiều thể loại khác nhau, là mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một số công cụ sản xuất và đồ trang sức phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cư dân.

Đối với phế tích Chăm-pa Xuân Dương, lần đầu tiên đoàn khảo sát phát hiện nơi đây từng là trung tâm tôn giáo của người Chăm, được xây dựng vào thế kỷ 11 và duy trì sử dụng theo chiều dài lịch sử tộc người Chăm cho đến khi vùng đất này sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Quá trình điều tra, khảo sát phế tích tháp Chăm-pa Gò Giản cho thấy, quy mô và phạm vi kiến trúc khá lớn, nhiều khả năng nơi đây là di chỉ của người Sa Huỳnh.

Khai quật, nghiên cứu các di chỉ trên đã cung cấp các bằng chứng mới, góp phần vào việc nhận diện các giá trị lịch sử- văn hóa Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.