.

Người là niềm tin tất thắng

.

Tháng 5 về, một cách hết sức tự nhiên, lòng ta lại vang lên rất nhiều giai điệu về Bác Hồ. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về thời điểm bài hát ra đời.

Tờ nhạc bướm bài Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ của nhạc sĩ Xuân Giao. Ảnh: M.HOÀNG
Tờ nhạc bướm bài Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ của nhạc sĩ Xuân Giao. Ảnh: M.HOÀNG

Xúc động Tiếng hát từ thành phố mang tên Người

“Từ thành phố này Người đã ra đi
Bao năm ước mơ đón Bác trở về…”

Những câu hát đó thân thuộc đến mức nhiều người cứ ngỡ tên bài hát là Từ thành phố này Người đã ra đi. Sự thực thì đó là câu đầu tiên của bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách, hiện sống tại Hà Nội.  

29 năm sau ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, Cao Việt Bách mới chào đời tại Phố Hiến (Hưng Yên) vào ngày 10-10-1940. Và 64 năm sau, đúng ngày 30-4-1975 khi non sông nối liền một dải, những giai điệu đầu tiên của bài hát được ra đời. Nhạc sĩ tâm sự: “Năm 1969, tin Bác mất như tiếng sét với tôi, nhớ lại những câu chuyện tuổi thơ và quãng đời hoạt động của Người, khí thế chiến thắng của dân tộc…, tôi đã viết ca khúc này như sự cảm ơn, một tình cảm chân thành gửi đến Người và cả dân tộc. Ngày 30-4-1975, trong niềm vui chung, lấy cảm hứng từ chiến dịch mang tên Người, tôi ngồi vào đàn, viết những nốt nhạc đầu tiên. Khi viết, tôi cũng chỉ dám nghĩ ca khúc này gắn với một thời khắc, không ngờ nó lại sống lâu như thế…”.

Ít ai biết, mạch xúc cảm được khơi nguồn từ một ý văn trong bài báo của nhà báo Đăng Trung, bạn thân của Cao Việt Bách. Khi đó, nhà báo Đăng Trung đang công tác tại Báo Tiền Phong, được giao nhiệm vụ viết một bài báo về Bác Hồ với thành phố Sài Gòn. Thế là một bài viết có tên“Từ thành phố này Người đã ra đi” được chào đời. Nhà báo Đăng Trung đưa bản thảo cho Cao Việt Bách xem. Cảm xúc trào dâng, người nhạc sĩ bật lên những giai điệu đầu tiên bằng chính tên bài báo (trong bản thảo): “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mơ đón Bác trở về/Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân...”.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách nói rằng, với Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, ông đã cắm được lá cờ chiến thắng bằng âm nhạc lên nóc Dinh Độc Lập; cũng như 21 năm trước đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cắm được lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát bằng Giải phóng Điện Biên.

Vang vọng Bên lăng Bác Hồ

Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938 ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An). Nhạc sĩ Dân Huyền kể: “Tháng 10-1974, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng lăng Bác. Giữa ngổn ngang giàn giáo, nổi lên khối nhà lăng Bác đang được hoàn tất. Giữa không gian này, tôi hình dung trước mắt mình những đoàn người già trẻ gái trai đang nối nhau về đây viếng Hồ Chủ tịch. Đặc biệt là đồng bào, đồng chí ở miền Nam sau ngày đất nước thống nhất sẽ về thăm thủ đô và viếng lăng Người. Những suy nghĩ ấy theo tôi suốt một tuần. Câu nói của Bác “Miền Nam trong trái tim tôi” cùng hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha” như hiện lên và tạo cho tôi một nét nhạc mang phong cách dân ca Nam Bộ, để rồi tôi viết: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong…”.

Nhạc sĩ Dân Huyền vẫn không quên giây phút cuối cùng khi ông hoàn thành bài hát. “Viết xong lời cuối cùng “Tình thương của Bác ấm lòng toàn dân…”, tôi hát cho các nhạc sĩ Lưu Bách Thụ, Nguyễn Mạnh Thường, Lê Lôi, Triều Dâng và Lương Nguyên nghe. Các anh góp ý sửa chữa, kể cả tên bài. Ban đầu, tôi đặt là Tiếng hát bên lăng Người, các anh góp ý là Tiếng hát bên lăng Bác, cuối cùng tôi lấy tên giản dị Bên lăng Bác Hồ”, nhạc sĩ Dân Huyền cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có một chi tiết mà nhiều người không biết: Lúc 19 giờ 30 ngày 19-5-1975, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm ngày sinh của Bác, nghệ sĩ Kiều Hưng là người thể hiện bài hát này lần đầu trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, nhiều khán giả đã viết thư về Đài yêu cầu phát lại ca khúc này. Cho tới ngày hoàn thành lăng Bác (29-8-1975), 4 tháng sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bên lăng Bác Hồ được chọn là một trong những bài hát chính thức trình bày trong ngày đáng nhớ ấy.

Trong veo Tiếng chim trong vườn Bác

Đầu tháng 5 năm nay, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đã đi xa mãi mãi, nhưng những ca khúc của ông vẫn có trong tâm trí của nhiều người. Trong đó, ca khúc Tiếng chim trong vườn Bác viết về Bác Hồ vẫn được thiếu nhi yêu thích.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích có lần kể cho tôi nghe về thời điểm và cảm xúc ông viết Tiếng chim trong vườn Bác. “Tôi viết ca khúc này năm 1973. Hồi đó, tôi rất muốn viết một ca khúc về Bác cho các em. Khi ấy, tôi đã đến thăm lăng Bác nhiều lần nhưng vẫn chưa viết được. Phải đến buổi chiều nắng tháng 4, ở vườn hoa Chí Linh, tôi mới viết được ca khúc Tiếng chim trong vườn Bác. Chiều hôm đó, thấy cây cao quá, tiếng chim cũng cao vút, trời thì trong xanh quá, vậy là cảm hứng chợt đến, tôi ngồi đó và hoàn thành bài hát”, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích nhớ lại.

Lung linh Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ

Nhạc sĩ Xuân Giao kể với tôi rằng, ông viết bài này vào năm 1969 trong ngôi nhà cũ của gia đình tại 417 phố Bạch Mai (Hà Nội) ngay sau khi Bác Hồ mất ít ngày. Sự hụt hẫng của người Việt Nam khi hay tin vị lãnh tụ của dân tộc, linh hồn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời khiến ông xúc động. Nhạc sĩ Xuân Giao nhìn ảnh Bác, nhớ về Bác bằng cái đẹp của nụ cười, ánh mắt hồn hậu, lối sống bình dị, chan hòa.

Tình cảm ấy được cộng hưởng với một câu chuyện “đẹp như trong mơ” cách đó 23 năm. Năm 1946, khi đó Xuân Giao mới 15 tuổi, đang ở Hải Phòng và tham gia hướng đạo sinh, ước mơ được gặp Bác đã trở thành hiện thực. Trong một chuyến công tác qua Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ bà con cùng các em thiếu nhi. Là hướng đạo sinh, Trương Xuân Giao cũng có mặt trong đoàn thiếu nhi ấy. Nhắc lại câu chuyện, nhạc sĩ Xuân Giao tâm sự: “Kỷ niệm cùng ấn tượng lần gặp Bác ấy đã tác động mạnh mẽ đến tôi. Về sau, tôi được gặp Người vài lần nữa nhưng lần đầu tiên đó đã tạo cảm xúc sâu đậm trong tôi”.

Và lời ca cùng giai điệu: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ/Em âu yếm hôn đôi má Bác/Vui bên Bác là em múa hát…” đã đi theo bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, trở thành một khúc ca bất tử về sự gần gũi, giản dị của Người. Theo nhạc sĩ Xuân Giao, “ca sĩ” đầu tiên thể hiện bài hát là một cháu bé trong Đội Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thăng hoa với Người là niềm tin tất thắng

Những ca từ đầu tiên của bài hát Người là niềm tin tất thắng bắt đầu bằng hình ảnh: “Đất nước nghiêng mình, đời đời nhớ ơn, tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…”.

Nhạc sĩ Chu Minh kể: “Tôi viết ca khúc này năm 1969, ngay sau khi Bác mất. Tôi không viết theo hình thức tang lễ mà chọn lối viết theo thể loại ca ngợi, phải làm sao để công chúng hiểu rằng sự ra đi của Bác đồng nghĩa với hình ảnh Bác có một sức sống vĩnh hằng, trường tồn trong mỗi người dân Việt Nam”.

Rồi ông nhớ lại: “Sau khi Bác mất một tuần, tại Hà Nội có cuộc biểu diễn ở Nhà hát lớn. Bài hát Người là niềm tin tất thắng do ca sĩ Bích Liên thể hiện đã được khán thính giả yêu cầu hát lại 3 lần. Tôi đã phối bài hát trên bằng dàn nhạc giao hưởng. Tôi vừa phối nhạc, vừa khóc, cô ca sĩ trẻ Bích Liên cũng vừa tập, vừa khóc nức nở. Có lẽ Người là niềm tin tất thắng là một trong những thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Tôi may mắn được gặp Bác 5 lần, ấn tượng nhất với tôi là lối sống giản dị và chan hòa của Bác”.

Da diết Lời Bác dặn trước lúc đi xa

Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn không có nhiều dịp được gần Bác Hồ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn in đậm trong trái tim ông. Năm 1989, trong một lần nằm tại Bệnh viện Việt - Xô chữa bệnh cùng đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động. Nội dung câu chuyện được nhạc sĩ chuyển tải nguyên vẹn trong ca từ của bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Bài hát giống như lời dặn của người cha trước lúc đi xa, mong cho con cháu mãi yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nhạc sĩ Trần Hoàn muốn khai thác chất liệu dân ca để bài hát có thêm sức sống, đồng thời vận dụng thể loại balad để kể chân thực một câu chuyện đã xảy ra. Lời bài hát nhẹ nhàng, mộc mạc, giai điệu như lời thủ thỉ tâm tình nhưng tạo hiệu quả rất lớn. Người nghe ấn tượng sâu sắc với Lời Bác dặn trước lúc đi xa qua giọng ca của các nghệ sĩ nhân dân như Thu Hiền, Thanh Hoa… Có người còn cho rằng, chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã hát cùng Thanh Hoa trong lần ca khúc này được ra mắt tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô rất thành công.

Còn nguyên mẫu “em gái nhỏ” trong câu hát: “…Bác muốn nghe một đôi làn quan họ/ Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ bước vào gần Bác…” chính là nữ y tá Ngô Thị Oanh khi đó đang làm việc tại khoa Phẫu thuật, Viện Quân y 108…

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.