.

Đọc Phạm Phú Thứ toàn tập những ngày giáp Tết

.

Di sản tinh thần thâm thúy và uyên bác của người Quảng xa quê Phạm Phú Thứ trong Phạm Phú Thứ toàn tập cổ chứ không hề cũ.

 

Đọc Phạm Phú Thứ toàn tập do NXB Đà Nẵng in và phát hành trong năm 2014, không hiểu sao tôi lại dừng rất lâu ở bản Phúc tấu về việc Nguyễn Đức Hậu và trình bày về sự tình và chính sách hiện thời viết ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức thứ hai mươi (1867) gửi vua Tự Đức. Theo cảm nhận của tôi, Phạm Phú Thứ là một trường hợp bất lực trong quá trình tìm đường cứu nước của người Quảng đương thời - sự bất lực kéo dài cho tới những đồng hương lớp sau ông như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Thành... “Ở vào các nước khác gặp phải công việc tình trạng như thế (tức là việc người phương Tây đến đòi mở cửa thông thương) đều có thể duy trì để yên ổn, còn như mình đây lại không thế, đột nhiên nửa đêm một mình đứng dậy, nổi giận đùng đùng, có khi ngồi một mình, lặng lẽ rớt nước mắt, vừa giận vừa khóc không biết nói gì”. Đó là nỗi bức xúc tột cùng của Phạm Phú Thứ do chính ông bày tỏ trong bản sớ tấu nêu trên. Khi cuộc chiến tranh hai năm 1858-1860 bùng nổ dưới chân thành Điện Hải, Phạm Phú Thứ cùng cậu là Phạm Hữu Nghi đã xin về quê tham gia đánh giặc. Năm 1873, ông lại cùng các đại thần trong Cơ mật viện thảo cho vua tờ dụ đưa quân ra Bắc để ngăn chặn hành động xâm lăng của quân đội Pháp. Và giờ đây, lòng nhiệt thành yêu nước trong ông vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Có điều, cục diện đất nước đang ngày càng khác trước. Vì thế, Phạm Phú Thứ cho rằng, muốn cứu được nước, không thể không đổi mới tư duy chính trị, đương nhiên đổi mới đến đâu thì trong hạn chế của thời đại ông, cũng chỉ có thể nằm trong quỹ đạo tư tưởng tôn quân.

Đọc bản Phúc tấu về việc Nguyễn Đức Hậu và trình bày về sự tình và chính sách hiện thời và nhiều tài liệu khác nữa trong Phạm Phú Thứ toàn tập, có thể thấy con đường cứu nước đúng đắn nhất lúc này - theo tư duy của Phạm Phú Thứ - là phải nhanh chóng tự cường, bởi chỉ giàu mạnh thì mới có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Muốn vậy, phải gắn chặt nhiệm vụ cứu nước với yêu cầu canh tân. Bằng kiến thức uyên bác của mình, Phạm Phú Thứ đã tích cực góp phần vào việc hình thành tư duy khoa học cho một đất nước hàng ngàn năm chỉ quen với lối tư duy chi hồ giả dã. Với Giá Viên biệt lục hay còn gọi là Tây hành nhật ký, lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện hệ thống thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt do chính Phạm Phú Thứ sáng tạo, một đóng góp học thuật mà nhiều năm sau Hoàng Xuân Hãn mới có điều kiện kế thừa và phát triển qua cuốn từ điển Danh từ khoa học.

Đương thời Phạm Phú Thứ là một trong các quan chức của Nam triều sớm đề xướng tư tưởng canh tân đổi mới. Chính ông đã chuyển đến tay nhà vua nhiều bản điều trần quan trọng của Nguyễn Trường Tộ, đồng thời cùng với các Cơ mật viện đại thần khác có những sớ tấu ủng hộ người trí thức Công giáo yêu nước này. Nhưng bi kịch của Phạm Phú Thứ cũng như của các nhà cải cách đương thời là đã vấp phải trở lực của lực lượng triều thần bảo thủ quá khích. Và lực lượng này không ngừng tìm cách hạn chế những nỗ lực canh tân đất nước của ông, cho đến tận năm 1882 là năm Phạm Phú Thứ qua đời với bao nhiêu dự định còn dang dở. Hai năm sau, các quan phụ chính đại thần cho mời Phạm Phú Đường con trai ông và Nguyễn Lộ Trạch bạn ông vào kinh bàn việc nước. Sự tiếp nối thế hệ kiểu ấy và chỉ ngần ấy chưa đủ để tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ phát huy được tác dụng như ông hằng mong muốn. Phải chờ đến Phong trào duy tân đất Quảng - cơn bão lớn về chính trị ở thập niên đầu của thế kỷ 20.  

Xét về văn bản học, có thể nói đóng góp lớn nhất của Phạm Phú Thứ toàn tập là ở việc lần đầu tiên Giá Viên toàn tập được công bố với người đọc đương đại. Đọc Giá Viên toàn tập những ngày giáp Tết Ất Mùi, tôi nhận thấy không ít lần chủ thể trữ tình trong thế giới nghệ thuật thơ Phạm Phú Thứ hiện lên như một sĩ phu/trí thức luôn đau đáu với số phận trầm luân của đất nước. Khi Nam Kỳ lục tỉnh - phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của nước Đại Nam bị thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa, nhà thơ ước ao: Nam Kỳ sĩ khí triêu lương tướng/ Táo tát thành công tả uất du - Sĩ khí vùng Nam Kỳ chí sĩ của ta đang mong một tướng giỏi/ Sớm thành công đuổi giặc xa trút hết nỗi u uất dằng dặc. Đi ngang qua Văn miếu, nhà thơ giãi bày: Nhất niệm vĩnh cơ tiên - Một suy nghĩ trước tiên là làm cho cơ đồ vững bền. Đến cửa Thuận An trong những ngày Biển Đông dậy sóng, nhà thơ liên tưởng tới một khả năng chiến thắng: Thiên chương phụng tác chu thường vũ/ Táo bốc biên cương cáo vũ thành - Vâng chiếu làm tròn chuyện võ bị/ Sớm bói ở biên cương báo việc binh đã hoàn thành. Có thể dẫn chứng thêm nhiều câu thơ “có lửa” như vậy trong Phạm Phú Thứ toàn tập…

Đọc Phạm Phú Thứ toàn tập, nhất là khi ông thăng hoa trong thế giới nghệ thuật của Giá Viên toàn tập, hẳn đông đảo người đọc đều có thể cảm nhận và ngưỡng mộ nhân cách Phạm Phú Thứ. Riêng tôi, có lẽ do ám ảnh nghề nghiệp nên rất chú ý đến sự tỏa sáng của nhân cách Phạm Phú Thứ trong Sớ tấu xin từ tạ không nhận chức Thượng thư bộ Hộ viết ngày 16-11 năm Tự Đức thứ 18 (1865) - tất nhiên không được nhà vua chấp nhận. Trước hết, ông hình dung “chức quan Thượng thư bộ Hộ, bên trong trù tính kinh phí hằng năm của quốc gia, bên ngoài nắm giữ sự trừ bị nơi biên giới, mức co giãn, phân ly có quan hệ đến lợi hại quốc gia, những quốc kế đó liên hệ đến dân sinh”, từ đó đòi hỏi “nếu không phải bậc cựu đức, thì cũng phải là người có tài năng thông suốt lý lẽ, mới có thể xứng đáng với sự tuyển dụng ấy”. Tiếp theo, ông tự đánh giá mình “tài năng khí độ rất kém, kinh nghiệm còn ít, lại được ơn đào tạo chu đáo, bổn tâm của thần không dám coi thường quan vị, nhưng mà học kém tài hèn, rất sợ làm việc vấp váp”, đồng thời tự so sánh mình với các bạn đồng liêu trong triều ngoài nội: “nói về tài quản lý công việc, thần còn kém Nguyễn Chánh, thông suốt lý lẽ, phần nhiều thua Thân Văn Nhiếp”, rồi cho rằng nếu mình “lạm hưởng ân vinh, xếp vào hàng chính khanh, nắm giữ vấn đề quốc khóa dân sinh, dù lòng ngu muội đến đâu cũng phải hỗ thẹn” và xin nhà vua “thu hồi ân điển triều đình (…) được nhường lại cho người hiền tài”.

Giá như các quan chức của chúng ta ngày nay khi được đề bạt vào những chức vụ quan trọng của quốc gia cũng đều có thái độ nghiêm túc biết việc, biết mình, biết người như Phạm Phú Thứ ngày xưa. Nói như vậy để thấy di sản tinh thần thâm thúy và uyên bác của người Quảng xa quê Phạm Phú Thứ trong Phạm Phú Thứ toàn tập cổ chứ không hề cũ. Và nói vậy để thấy công của NXB Đà Nẵng, của người chủ biên Phạm Ngô Minh và nhóm biên soạn, của các dịch giả và của tất cả những ai đã góp phần đưa di sản tinh thần ấy đến với người đọc là rất lớn lao…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.