.
Tản mạn Chiang Mai

Bài 2: Người Thái làm du lịch

.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến các điểm du lịch ở Thái Lan cũng như ở Chiang Mai là ở đâu cũng nườm nượp du khách ngược xuôi như một lễ hội ở nước ta.

Voi ở Trung tâm Bảo tồn voi Lam Pang biểu diễn đánh trống.
Voi ở Trung tâm Bảo tồn voi Lam Pang biểu diễn đánh trống.

Khách châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, đủ các màu da. Có lẽ vì thế mà hầu hết các khu ẩm thực tại các siêu thị, chợ, điểm du lịch… có đầy đủ các món ăn Âu, Á, đạo Hồi… để tùy khách lựa chọn. Ở các điểm du lịch không có người bán vé số dạo, bán hàng rong như ở ta; du khách thoải mái tham quan trong trật tự dẫu lượng người đông đúc nhờ có đội ngũ hướng dẫn viên tận tình, chu đáo và lịch sự. Sáng 5-11, chúng tôi đến Công viên thực vật Hoàng hậu Thái Lan được cô nhân viên hướng dẫn đi tham quan các khu vực.

Ở đây rộng 1.000ha được chia làm 8 khu riêng biệt. Dẫu trời mưa to nặng hạt, cô nhân viên dẫn chúng tôi đi qua một quãng đường dài đến khu nhà kính giới thiệu các loài hoa trên cạn và dưới nước. Khu nhà kính có nhiều loài hoa tiêu biểu các nước như hoa sen Nam Mỹ lá to, quá trình phát triển có các màu sắc trắng-hồng-tím; hoa lan búp bê nhảy múa, mỗi bông hoa như một búp bê xinh đẹp… Cô nhân viên mải mê giới thiệu từng loài hoa, vì vậy hết buổi sáng chúng tôi mới ra khỏi khu nhà kính.

Đến Trung tâm bảo tồn voi Lam Pang, chúng tôi được chứng kiến thêm cách làm du lịch của người Thái. Trung tâm rộng 30ha, bảo tồn khoảng 60 con voi, có bệnh viện cho voi, nhân viên lên tới 200 người. Điều đó, chứng tỏ người Thái chú trọng công tác bảo tồn, chăm sóc các loài động vật quý hiếm. Trong gần một tiếng đồng hồ xem các chú voi biểu diễn, chúng tôi không thấy đâu những cô gái chân dài vận bikini biểu diễn trên mình voi như đã từng chứng kiến ở những nơi ngoài đất nước Thái.

Ở đây, voi biểu diễn những động tác gần gũi với cuộc sống lao động, vui chơi của con người như kéo gỗ, sắp xếp các đồ vật, ném bóng, vẽ tranh nghệ thuật… Những chú voi to lớn nhưng gần gũi, thân thiện để du khách chụp ảnh kỷ niệm. Có lẽ ấn tượng hơn cả là cách “làm tiền” của người Thái thật nhẹ nhàng, linh hoạt mà du khách không thể phật lòng.

Đó là cả buổi xem voi biểu diễn, một số thành viên trong đoàn chúng tôi được nhân viên của trung tâm kín đáo chụp hình ở các góc độ đẹp, ánh sáng và màu sắc chuẩn, sau đó làm thành ảnh lồng vào các khung gỗ đẹp, chắc chắn, có biểu tượng Trung tâm voi, trưng bày ở cổng ra vào. Khi trở ra, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy những bức ảnh cá nhân mình trong khung gỗ trông thật bắt mắt và vui vẻ bỏ ra 300 baht (khoảng gần 400 nghìn đồng Việt Nam) để sở hữu bức ảnh như một kỷ niệm mà không một lời than phiền và thái độ bực bội.

Ở khu rừng bách thú Chiang Mai, du khách không tiếc vài chục baht mua một rổ nhỏ trái cây để được gần gũi với các loài thú, trực tiếp đưa thức ăn vào miệng chúng. Những con hươu cao cổ, lợn rừng, nai… mỗi khi những chiếc xe chở du khách dừng lại, chúng lại đến gần để được nhận thức ăn từ tay du khách. Như vậy, những người quản lý khu rừng bách thảo vừa thu được tiền tham quan của du khách vừa đỡ phần nào thức ăn hằng ngày cho thú.

Đề cập việc phát triển ngành du lịch Chiang Mai, ngài Chủ tịch Hội đồng Thương mại Chiang Mai cho biết: Chiang Mai trước đây là một thành phố đóng cửa bởi chưa mở rộng quan hệ với Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam còn trong thời kỳ chiến tranh. Ngày nay, các mối quan hệ được thiết lập, Chiang Mai đang phấn đấu trở thành trung tâm thương mại du lịch trong khối ASEAN.

Ngành du lịch Chiang Mai đã đặt quan hệ với các địa phương Việt Nam như Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Chiang Mai và Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch vào tháng 3-2015 sẽ mở đường bay trực tiếp giữa 2 thành phố. Từ Bangkok về Chiang Mai khoảng một giờ bay, ngang bằng quãng đường bay từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ thành phố Hồ Chí Minh qua Bangkok. Nhưng nếu có đường bay Đà Nẵng-Chiang Mai thì quãng đường chỉ bằng 1/3 của 3 chặng bay đó cộng lại. Đây là cơ hội cho ngành du lịch 2 địa phương phát triển.

Với tầm nhìn chiến lược, tại buổi tiếp đoàn chúng tôi, ngài Tỉnh trưởng Chiang Mai khẳng định rằng, tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây có tầm quan trọng đối với sự phát triển của các nước Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, trong đó có tỉnh Chiang Mai. Vì thế, chúng tôi đã và đang xây dựng các chương trình phát triển thương mại và du lịch, bởi Chiang Mai có tiềm năng kinh tế du lịch, có nhiều phong cảnh đẹp, con người có thái độ thân thiện, nền văn hóa truyền thống vương quốc cổ La Na. Chiang Mai đang xây dựng ngành du lịch sức khỏe thông qua hệ thống bệnh viện, các điểm chăm sóc sức khỏe con người, các khu du lịch sinh thái…

Ngài Tỉnh trưởng cũng đã quảng bá tiềm năng du lịch sức khỏe Chiang Mai với 10 bệnh viện, trong đó có 2 bệnh viện lớn của Nhà nước với đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi, nhất là về tim, thần kinh; giá rẻ 10% so với Bangkok; hệ thống mát-xa Thái thu hút nhiều du khách nước ngoài.

Có thể thấy, cách làm du lịch của người Thái thật đa dạng. Từ hệ thống khách sạn, nhà hàng đến các điểm vui chơi giải trí, các hình thái du lịch đều hướng vào mục đích phục vụ du khách hết mình, làm sao thỏa mãn nhu cầu của khách và thông qua đó tạo nguồn thu cho nền kinh tế. Cũng vì thế mà người dân Chiang Mai luôn ý thức rằng “Là thành phố du lịch nên khách đến đều là khách quý”.

Bài và ảnh: THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.