.
Tản mạn Chiang Mai

Bài 1: Thành phố 700 tuổi

.

Từ Bangkok về Chiang Mai khoảng một giờ bay, ngang bằng quãng đường bay từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bangkok. Chuyến bay đáp xuống sân bay Chiang Mai vào lúc 11 giờ ngày 3-11, chúng tôi được các đồng nghiệp Thái Lan đón về thành phố Chiang Mai.

Các nhà báo Việt Nam và Chiang Mai tại Khu nhà kính, Công viên thực vật Hoàng hậu Thái Lan.
Các nhà báo Việt Nam và Chiang Mai tại Khu nhà kính, Công viên thực vật Hoàng hậu Thái Lan.

Chiang Mai trước mắt chúng tôi là một thành phố của hoa và cây xanh; đường sá rộng, thoáng, sạch, đẹp. Dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi nhưng trật tự. Các nhà báo ở Chiang Mai tiếp đón chúng tôi như người nhà. Đoàn nhà báo Việt Nam thăm Thái Lan lần này gồm 10 người thì các nhà báo chủ nhà Thái Lan đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi cũng chừng ấy người. Trong họ, có cả vợ chồng, cha, con cùng đi với chúng tôi.

Thành phố Chiang Mai hình thành từ 716 năm trước, khởi nguồn là Vương quốc La Na. Sau cuộc chiến thắng lợi quân Miến Điện, La Na trở thành một vùng đất của Vương quốc Thái Lan. Ngày nay, Chiang Mai là một tỉnh, trong đó có thành phố Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, sau Bangkok với 1,8 triệu dân, là tỉnh du lịch có nhiều danh thắng, trung tâm bảo tồn thiên nhiên. Là thành phố cổ trên đường phát triển, vì vậy Chiang Mai đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Ngoài 1,8 triệu người dân địa phương, hiện nay Chiang Mai có khoảng 10 nghìn người dân nhập cư từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá bất động sản nhờ vậy cũng đã tăng vọt trong vòng một năm nay.

Cô bạn đồng nghiệp Chiang Mai hướng dẫn đoàn chúng tôi kiêm nghề kinh doanh bất động sản khoe: Giá một mét vuông đất ở Chiang Mai từ 1 triệu bạt năm trước, nay đã tăng lên 3 triệu bạt. Nhờ kinh doanh bất động sản, hằng tháng cô có nguồn thu nhập khá cao, tính ra tiền Việt Nam khoảng 240 triệu đồng. Có một nhà báo Thái Lan từng qua Việt Nam đã so sánh rằng, Chiang Mai đối với Bangkok cũng như Đà Nẵng đối với thành phố Hồ Chí Minh, bởi sự yên ả, thanh bình; môi trường trong lành.

Hôm chúng tôi đến đúng dịp Lễ hội Lôi-Kra-Thoong (Lễ hội thả hoa đăng). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày vào dịp tháng 12 Tây của Thái (lịch La Na), do chính quyền phối hợp với các tổ chức xã hội địa phương tổ chức nhằm cầu cho quốc thái, dân an. Những chiếc lồng đèn là biểu tượng nghệ thuật của người dân La Na đã ảnh hưởng, lan truyền đến các vùng, miền khác của Thái Lan được thắp sáng thả lên bầu trời Chiang Mai suốt 3 đêm diễn ra lễ hội và đêm cuối cùng thả hoa đăng trên dòng sông chảy qua thành phố. Ngày nay, trên Quảng trường trung tâm thành phố còn có trưng bày các kiểu lồng đèn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Để bảo tồn thành phố cổ Chiang Mai đã hơn 700 tuổi, chính quyền địa phương đã quy hoạch bảo tồn các di tích cổ, trong đó có các quy định như xây dựng công trình cao không quá 12 mét, di chuyển những cơ sở sản xuất, in ấn ra khỏi nội đô, hạn chế ô-tô đi lại… Hôm chúng tôi đến thăm Tòa soạn báo Chiang Mai Time, ban lãnh đạo ở đây đang chuẩn bị cho việc di dời nhà in ra vùng quy hoạch mới. Những việc làm của chính quyền địa phương nhằm phấn đấu đề nghị Chiang Mai được công nhận di sản văn hóa thế giới.

Bài và ảnh: THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.