.

Hướng về Hà Nội cùng nhạc sĩ Hoàng Dương

.

Nhiều người cho rằng Hướng về Hà Nội là ca khúc hay vào loại nhất trong các ca khúc trữ tình viết về Hà Nội.

Nhạc sĩ Hoàng Dương . 				Ảnh: H.T.PHỐ
Nhạc sĩ Hoàng Dương . Ảnh: H.T.PHỐ

1. Những ngày này, khi Hà Nội đang rộn ràng kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, tôi muốn nhắc tới ca khúc Hướng về Hà Nội của PGS - nhạc sĩ Hoàng Dương. Bài hát ấy đã trở nên thân quen với biết bao người, để mỗi khi giai điệu ngân lên, người ta lại thấy bồi hồi: “Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi/ Ánh đèn giăng mắc muôn nơi/ Áo màu gió chơi vơi/ Hà Nội ơi! Phố phường giãi ánh trăng mơ/ Liễu mềm như gió ngây thơ/ Thấu chăng lòng khách bơ vơ…”.

Đi trên đường Bà Triệu ở Hà Nội vào một sáng mùa thu, nhạc sĩ Hoàng Dương nói với tôi rằng, ông viết ca khúc này vào đầu năm 1954, để “ghi lại nhiều tâm sự với Hà Nội trong những ngày trẻ trung và đa cảm”. Khi ấy, Hoàng Dương mới hơn 20 tuổi, đang hoạt động cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành bộ Hà Nội, phải rời thủ đô sơ tán về một làng quê ven đô trong niềm nhớ nhung da diết. Ca khúc Hướng về Hà Nội ra đời chất chứa trong lòng nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Giai điệu mang đầy tính tự sự cùng ca từ đẹp, giàu chất thơ: “Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thiết đê mê/ Tóc thề thả gió lê thê/ Biết đâu ngày ấy anh về…”.

Năm 1954, khi NXB Tinh Hoa in bài hát Hướng về Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Dương đề: “Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu, gửi đây niềm thương nhớ một mùa chia phôi...”. Nhiều người thắc mắc Hoàng Trọng là ai? Nhiều người hồ nghi liệu có phải là một “bóng hồng” nào đó? Nhạc sĩ Hoàng Dương lý giải: “Hoàng Trọng là người bạn vong niên đáng kính của tôi. Tôi đã cộng tác với anh trong nhiều bài hát với phần ca từ được anh rất thích, trong đó có bài Nhạc sầu tương tư. Anh Trọng người cùng ban nhạc của mình đã giới thiệu danh ca Kim Tước hát đầu tiên bài Tiếc thu Hướng về Hà Nội của tôi trên làn sóng radio Hà Nội, sau đó mang bản thảo để xuất bản ở Tinh Hoa và phổ biến khắp nơi…”.

Nhạc sĩ Hoàng Dương không nói sâu về một “bóng hồng” khuất sau ca khúc nhưng có một giai thoại kể rằng, lúc bấy giờ, Hoàng Dương yêu một người em gái ở nội thành, tình yêu thời chiến tranh rất đẹp và lãng mạn. Một đêm khuya, khi túc trực tại nhà một người dân nơi ngoại thành, trong tiếng pháo dội về thành phố, Hoàng Dương bồi hồi nhớ đến người em gái Hà Nội. Không nén được xúc cảm, ông ngồi vào bàn, viết những dòng nhạc đầu tiên cho bài hát Hướng về Hà Nội. Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào nên nhạc sĩ sáng tác rất nhanh và hoàn tất ca khúc ngay trong đêm đó.

Nhạc sĩ Hoàng Dương kể, sau khi ra đời, bài hát đến với công chúng qua giọng hát của nữ ca sĩ Kim Tước trong ban nhạc Hoàng Trọng. Sau đó, ca khúc được lan truyền rộng rãi trong cả nước và ở nước ngoài. Ca khúc được NXB Tinh Hoa ở Huế ấn hành và tái bản nhiều lần. Một thời gian dài, các giọng ca Mai Hương, Duy Trác đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của Hướng về Hà Nội.

Một số khán thính giả thời đó còn nhớ, khi mới ra đời, ca khúc Hướng về Hà Nội chưa được biểu diễn công khai. Thậm chí, khi ca sĩ Ngọc Bảo hát Hướng về Hà Nội trên đài phát thanh để nhắn gửi bạn bè trong Nam nên ca khúc càng bị... cấm. Sau này, đất nước giải phóng, nhiều người ra nước ngoài cũng thường hát bài này nên ca khúc càng bị nhầm tưởng là “nhạc vàng”. Năm 1994, trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hướng về Hà Nội đã được chọn trong danh mục biểu diễn, ca sĩ Thu Hà đã giúp nhạc sĩ Hoàng Dương đưa ca khúc trở lại với công chúng, và lớp bụi thời gian bấy lâu đã mờ dần.

2. Nhạc sĩ Hoàng Dương họ Ngô, sinh năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội, là con trai của nhà văn hóa Trúc Khê (Ngô Văn Triện). Có lẽ hưởng gen văn chương từ người cha, ngay từ thuở nhỏ, Dương là học sinh giỏi văn. Sau này, Hoàng Dương là một trong những giảng viên đầu tiên xây dựng bộ môn đàn violoncelle và khoa Đàn dây - Nhạc viện Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Dương đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007, được phong tặng danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp giáo dục: danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Xuất thân từ nghệ sĩ violoncelle nên sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Dương có một mảng quan trọng, đó là nhạc không lời, như: Hát ru, Mơ về trái núi Thiên Thai, Tiếng hát sông Hương (phổ thơ Tố Hữu), Bài thơ Hạ Long (thơ Phùng Quốc Thụy)… Nhưng với khán thính giả, Hoàng Dương của những ca khúc: Hướng về Hà Nội, Tiếc thu, Hà Nội mến thương, Tiếng mưa rơi… vẫn luôn luôn gần gũi.Thậm chí, chỉ riêng với ca khúc Hướng về Hà Nội, cái tên Hoàng Dương đủ khiến người ta phải nhớ đến ông.

Bên cạnh giọng ca Mai Hương, Duy Trác, đã có rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước biểu diễn ca khúc Hướng về Hà Nội với các cách khai thác khác nhau như: Thu Hà, Ánh Tuyết, Trần Hiếu, Lê Hằng, Khánh Hà, Thanh Hằng... Ca sĩ Hồng Nhung trong album “Đoản khúc thu Hà Nội” cũng chọn và thể hiện khá xuất sắc Hướng về Hà Nội.

Tôi đã hỏi nhạc sĩ Hoàng Dương rằng ông thích ca sĩ nào thể hiện ca khúc Hướng về Hà Nội. Một thoáng đắn đo, rồi nhạc sĩ Hoàng Dương tâm sự: “Vợ tôi vẫn thích nghe Khánh Hà hát. Còn tôi thích Hồng Nhung hát, cả ca sĩ Lan Anh nữa. Cách đây ít lâu, tôi mới được nghe Lê Dung hát Hướng về Hà Nội. Đó là một giọng hát chỉn chu, âm sắc hay, sang trọng lắm. Chỉ tiếc chị ấy đã ra đi, không còn gặp lại được nữa…”.

Theo nhạc sĩ Hoàng Dương, điều cốt yếu nhất giúp ông viết được ca khúc này là sự chân thành trong cảm xúc. Chỉ như vậy, ca khúc mới có thể đi vào lòng người.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.