.

Phát huy các giá trị văn hóa dân gian

.

Trong 5 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng không ngừng nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy và quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng đến với các tầng lớp nhân dân.

Một số tác phẩm của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng.                          Ảnh: M.T
Một số tác phẩm của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng. Ảnh: M.T

Hội Văn nghệ dân gian thành phố tuy còn non trẻ nhưng có thuận lợi là đội ngũ hội viên có bề dày nghiên cứu và đề tài nghiên cứu tương đối phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, Hội đã tổ chức hiệu quả một số công trình nghiên cứu có giá trị. Thời gian qua, Hội đã tiếp tục thực hiện 3 đề tài trong Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng: Tập tục lễ hội; Nghề và làng nghề truyền thống Ẩm thực đất Quảng. Sau đó, xuất bản tiếp tập Văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, tác giả tác phẩm; Văn hóa dân gian Đà Nẵng - cổ truyền và đương đại…

Trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian địa phương, Hội đã thực hiện 6 tập san Văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, tạo diễn đàn để hội viên trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.  

Bên cạnh các tác phẩm phim ảnh về lễ hội, văn hóa dân gian, còn có nhiều công trình, tác phẩm có giá trị như: Văn hóa dân gian Hòa Vang (Võ Văn Hòe); Địa danh thành phố Đà Nẵng (Võ Văn Hòe); Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn (Lưu Anh Rô - viết chung); Tiếng địa phương trong ca dao, dân ca đất Quảng (Đinh Thị Hựu); Hò khoan xứ Quảng (Đinh Thị Hựu); Đình Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn); Âm nhạc Chăm - những giá trị đặc trưng (Văn Thu Bích); Dân gian bia miệng lưu truyền (Lê Hoàng Vinh); Quanh lũy tre làng (Lê Hoàng Vinh chung với Lê Anh Dũng); Sắc bùa xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Chuyện kể dân gian xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Lễ hội - văn hóa dân gian đất Quảng (Lê Duy Anh); Hò đưa linh (Trần Hồng); Âm nhạc dân tộc Chăm - sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt (Trần Hồng); Ca nhạc kịch bài chòi (Trương Đình Quang); Bài chòi xứ Quảng (Trương Đình Quang viết chung với Đinh Thị Hựu)…

Các tác phẩm đã tạo nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa dân gian trên địa bàn thành phố. Một số công trình tác phẩm được đánh giá cao, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng giải thưởng và xuất bản, phát hành rộng rãi nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Đà Nẵng với các vùng, miền khác nhau trên cả nước.

VÕ VĂN HÒE

;
.
.
.
.
.