.
Tình hoa muống biển

Bức tranh về đất và người Đà Nẵng

.

Với 25 tập phim, mỗi tập 45 phút, quy tụ dàn “sao”, Tình hoa muống biển đang ghi hình tại Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ chinh phục khán giả. Bộ phim mang thông điệp về tình yêu và cuộc sống, đồng thời là một bức tranh về thành phố biển Đà Nẵng.

Một cảnh quay được thực hiện ở biển Đà Nẵng. 	                 (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Một cảnh quay được thực hiện ở biển Đà Nẵng. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Tình hoa muống biển chính thức được bấm máy từ ngày 14-6, dự kiến đến tháng 8 hoàn tất phần ghi hình. Bộ phim có sự góp mặt của các gương mặt nổi tiếng: Thúy Diễm, Thiên Bảo, Thanh Duy, Quý Bình, Kim Tuyến, Bùi Lê Kim Ngọc, Mai Sơn, Mai Trần, Hoa hậu Triệu Thị Hà, Á  hậu Tố Uyên…

Tình yêu Đà Nẵng

Đạo diễn Trần Ngọc Phong, người nổi tiếng với các bộ phim: Những nẻo đường phù sa, Duyên nợ miền Tây, Ở lại thế gian, Lọ Lem thời @, Hoàng hôn ấm áp, Về đất Thăng Long…, cho biết khi nhận kịch bản Tình hoa muống biển, ông kỳ vọng rất nhiều về việc sẽ đưa được hình ảnh mảnh đất và con người Đà Nẵng vào phim. Ông Phong hào hứng khi nói về Đà Nẵng và không giấu tình yêu dành cho thành phố biển. Ông bày tỏ, Tình hoa muống biển là bộ phim Việt Nam đầu tiên khắc họa đậm nét bức tranh về một địa phương, từ cảnh đẹp đến con người, để khán giả cả nước và kiều bào nước ngoài biết đến Đà Nẵng nhiều hơn nữa. “Mảnh đất này quá đẹp, từ biển, núi, sông, và cả những con đường, những chiếc cầu, nên tôi muốn đưa vẻ đẹp này vào phim”, đạo diễn Trần Ngọc Phong nói.

Điều thú vị là Tình hoa muống biển do những con người miền Trung làm phim về dải đất vốn đầy nắng và gió này (đơn vị hợp tác sản xuất: Công ty CP Hoa Ky, nhà sản xuất: Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên). “Những người con của Quảng Nam-Đà Nẵng muốn làm một cái gì đó cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam”, đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết thêm.

Có lẽ cũng vì xuất phát từ tình yêu Đà Nẵng, trong những ngày ghi hình, cả đoàn làm phim làm việc say sưa, nhiều lúc đến hơn 2 giờ sáng mới nghỉ. Mọi người trong đoàn nhắc nhở nhau “không khéo hôm nay… cháy giáo án”, nhưng ai cũng vui vì hoàn thành được những cảnh quay vừa ý. Đạo diễn Trần Ngọc Phong cứ tấm tắc, làm bộ phim này tại Đà Nẵng là sự đổi mới trong phong cách sáng tác của ông.

Trong khi đó, diễn viên Quý Bình chia sẻ niềm vui khi không phải ra phim trường với những cảnh lặp đi lặp lại như ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh nói: “Chưa có phim nào khai thác kỹ lưỡng cảnh quan thiên nhiên như Tình hoa muống biển. Tôi tin rằng, khi xem phim, những ai từng đến Đà Nẵng thì sẽ muốn quay lại nơi đây, những ai chưa đến Đà Nẵng thì sẽ muốn đến và lưu lại thành phố này”.

Thông điệp về tình yêu và cuộc sống

Bối cảnh của Tình hoa muống biển phần lớn là các điểm du lịch Đà Nẵng, nơi các tuyến nhân vật đa chiều là người Đà Nẵng hoặc từ các địa phương lân cận sống, làm việc, gặp gỡ và yêu nhau; những hỉ, nộ, ái, ố cũng nảy sinh tại đây. Cả đạo diễn Trần Ngọc Phong, nhà đầu tư lẫn các diễn viên đều không ngại ngần khẳng định Tình hoa muống biển là bộ phim quảng bá du lịch Đà Nẵng cũng như các vùng lân cận, nhưng trên hết là thông điệp về tình yêu và cuộc sống. Phim đề cao sự thủy chung, chỉ có tình yêu thật sự mới mang lại hạnh phúc; vì tình yêu, người ta có thể hy sinh bản thân, hoặc cũng vì tình yêu mà hướng thiện. Ngoài ra, phim còn ca ngợi sức sống và ý chí của giới trẻ trước cuộc sống đa màu, đa sắc, có cả cơ hội lẫn cám dỗ. Sự vươn lên của những người trẻ để thích ứng với một xã hội hiện đại như sức sống của hoa muống biển.

Vào vai Phan Vinh, có hoàn cảnh sống không thuận lợi, phải cùng cha hành nghề Sơn Đông mãi vỏ, trải qua nhiều biến cố, khi đọc kịch bản, diễn viên Quý Bình thích ngay nhân vật này. Vai Phan Vinh có nhiều góc cạnh, nhiều đất diễn, thuận lợi để Quý Bình “phá cách”, tạo sự mới lạ so với những vai diễn trước đó. Ngoài sự đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc về kịch bản và sự trau chuốt, tinh tế của đạo diễn, điều mà Quý Bình tâm đắc khi tham gia dự án phim còn là tình cảm của khán giả Đà Nẵng đối với đoàn làm phim. “Đi đến đâu đoàn làm phim cũng được khán giả chào đón. Cả nhà sản xuất cũng đầu tư rất kỹ cho các cảnh quay. Điều đó làm cả ekíp càng cảm nhận sự dung dị, hiền hòa của người Đà Nẵng và càng có động lực để hoàn thành tốt công việc”, Quý Bình nói.

Vốn “kén” kịch bản phim, đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết, Tình hoa muống biển được xây dựng theo hướng nghệ thuật thị trường, theo thị hiếu của khán giả, tức là “nội dung và hình ảnh phải có gì để khán giả thưởng thức”. Đó là lý do phim huy động cả dàn “sao” để khán giả được mãn nhãn.

Bên cạnh đó, trong suốt những ngày đoàn làm phim làm việc tại Đà Nẵng, 2 trong số 3 nhà biên kịch là Trần Bảo Thu và Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân luôn có mặt để ngay lập tức xử lý những nội dung phát sinh của kịch bản, chứ không gói gọn trong nội dung sẵn có.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.