.

Nhà hát Trưng Vương tìm hướng đi mới

.

Sự ra đời của sân khấu kịch Ngày xửa ngày xưa là một trong những hướng đi của Nhà hát Trưng Vương với nỗ lực khắc phục tình trạng không đỏ đèn thường xuyên của nhà hát, giải cơn “khát” sân khấu kịch đầy màu sắc cổ tích cho thiếu nhi thành phố.

Các diễn viên sân khấu Ngày xửa ngày xưa của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng biểu diễn vở Những đứa con của rồng. Ảnh: N.H
Các diễn viên sân khấu Ngày xửa ngày xưa của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng biểu diễn vở Những đứa con của rồng. Ảnh: N.H

Nhà hát “khát” đêm diễn

Sau khi được xây mới trên nền nhà hát cũ vào cuối năm 2004, Nhà hát Trưng Vương trở thành một trong những công trình văn hóa trọng điểm của thành phố với sức chứa hơn 1.000 khán giả. Tuy nhiên, đến nay, nhà hát vẫn chưa hoạt động hết công năng của nó.

Ông Trần Quang Kỳ, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện Nhà hát Trưng Vương, thừa nhận tình trạng nói trên. “Nhà hát này hầu như chỉ để tổ chức các lễ mít-tinh và cho thuê tổ chức sự kiện. Các chương trình ca nhạc, kịch rất thưa thớt, có tháng không có đêm diễn nào. Hầu hết các chương trình lớn về giải trí đều do những đoàn từ Hà Nội vào hoặc thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn”.

Thực tế, từ năm 2013 đến nay, khán giả Đà Nẵng bắt đầu có không gian âm nhạc nhiều hơn với các chương trình ca nhạc được đầu tư bài bản tại Nhà hát Trưng Vương: liveshow Truyện ca của ca sĩ Đức Tuấn, Đêm Viettel với sự góp mặt của ca sĩ Bằng Kiều và “tứ Linh” (Khánh Linh, Uyên Linh, Mỹ Linh, Phương Linh), liveshow Mùa thu cho em của Lê Cát Trọng Lý, đêm nhạc Gác Trịnh kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Song, số lượng chương trình nghệ thuật như thế vẫn không nhiều và hầu hết các ca sĩ cũng đến từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Quang Kỳ cho biết thêm, trước đây, khi chưa tách tỉnh, Quảng Nam- Đà Nẵng có các đoàn kịch, cải lương nổi tiếng như: Đoàn kịch nói Quảng Nam-Đà Nẵng, Đoàn cải lương Sông Hàn, Đoàn Dân ca kịch. Mỗi khi các đoàn này biểu diễn, khán giả đến xem rất đông. Đến nay, toàn thành phố chỉ còn hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn ca múa nhạc thành phố (thuộc Nhà hát Trưng Vương) và Đoàn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Tuy nhiên, Đoàn ca múa nhạc chủ yếu phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố; không có gương mặt ngôi sao để kéo khán giả tới nhà hát. “Nếu Đà Nẵng có một đoàn kịch nói chuyên nghiệp thì hay biết mấy, bởi kịch nói là loại hình phản ánh sinh động nhất muôn mặt đời sống đô thị. Sự ra đời của đoàn kịch chuyên nghiệp sẽ thu hút khán giả, qua đó góp phần giúp nhà hát tăng thời lượng sáng đèn”, ông Trần Quang Kỳ nói.

Vì không có đất diễn, nhiều người yêu thích sân khấu kịch (cả diễn viên gạo cội lẫn các bạn trẻ) tìm đến với nhau qua CLB Sân khấu kịch nói Đà Nẵng (được thành lập vào tháng 8-2012) dưới sự tổ chức và quản lý của Trung tâm Văn hóa thành phố. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố: “Hiện nay, CLB này hoạt động không hiệu quả. CLB chỉ là nơi để các thành viên tham gia thỏa niềm đam mê. Mỗi người một nghề, công việc khác nhau nên họ đến rồi đi, không ổn định”.

Bước khởi đầu cho sân khấu kịch

Nói về việc ra đời sân khấu kịch Ngày xửa ngày xưa, NSƯT Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho biết: “Sân khấu này xuất phát từ những trăn trở lâu nay của chúng tôi. Thứ nhất, làm sao để nhà hát sáng đèn nhiều hơn. Thứ hai, sân khấu dành cho tuổi thơ tại Đà Nẵng chưa được chú trọng, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, sân khấu dành cho tuổi thơ rất đa dạng, phong phú. Thứ ba, để xây dựng một đoàn kịch chuyên nghiệp, đòi hỏi nhiều yếu tố, phải có lộ trình chuẩn bị lâu dài, phải quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thì mới thu hút khán giả.

Lợi thế của Ngày xửa ngày xưa là các em thiếu nhi chỉ yêu thích nhân vật mà diễn viên hóa thân, không quá chú trọng tên diễn viên. Thứ tư, chúng tôi được sự hỗ trợ của sân khấu IDECAF thành phố Hồ Chí Minh, từ chuyển giao kịch bản, đến cảnh trí, phục trang và âm nhạc của nhiều vở diễn khác nhau. Thêm nữa, nghệ sĩ Trần Quang Kỳ đã tập hợp được dàn diễn viên trẻ, tài năng, đủ sức để đảm nhận các vai diễn. Sự tâm huyết của những nghệ sĩ yêu sân khấu đã thôi thúc lãnh đạo nhà hát quyết tâm cho ra đời sân khấu kịch này”.

Sân khấu Ngày xửa ngày xưa ra đời, có lẽ nghệ sĩ Quang Kỳ là người có công lớn nhất. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, người nghệ sĩ có mấy chục năm tuổi nghề trong lĩnh vực sân khấu khiêm tốn nói: “Kịch nói đã thấm trong máu tôi rồi, nhiều lúc muốn làm điều gì đó nhưng không có cơ hội. Sau này, có dịp làm việc với anh Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf thành phố Hồ Chí Minh khi “ông bầu” này mang Ngày xửa ngày xưa đến Đà Nẵng thì mình có động lực hơn. “Bầu” Tuấn còn mong muốn được phối hợp cùng lãnh đạo Nhà hát Trưng Vương xây dựng một sân khấu dành riêng cho trẻ em Đà Nẵng và 100% diễn viên Đà Nẵng đảm nhận vai diễn. Một người không phải dân Đà Nẵng mà tâm huyết như vậy thì sao mình không “máu” theo cho được”.

Sân khấu Ngày xửa ngày xưa của Nhà hát Trưng Vương quy tụ hơn 30 diễn viên (gồm một số diễn viên kỳ cựu, còn lại là diễn viên học ở các trường sân khấu từ thành phố Hồ Chí Minh về và các học sinh, sinh viên có khả năng diễn, yêu thích sân khấu). Sau buổi diễn ra mắt vở Những đứa con của Rồng vào ngày 28-6 vừa qua, Ngày xửa ngày xưa sẽ diễn mỗi tháng/lần tại Nhà hát Trưng Vương và diễn tại các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam.

“Đây là bước khởi đầu cho sân khấu kịch của Đà Nẵng. Tương lai gần, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ quan tâm xây dựng đoàn kịch chuyên nghiệp. Nếu đầu tư và có chế độ đãi ngộ thì sợ gì không thu hút nhân tài. Có như thế mới đáp ứng nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa, nâng cao trình độ văn hóa của người dân”, NSƯT Nguyễn Đình Thậm nói.

N.HÀ

;
.
.
.
.
.