Đào tạo nhân lực du lịch thời 4.0

Bài 1: Ngồi nhà bấm nút chọn điểm đến

.

Xu hướng chung hiện nay trên thế giới cũng như trong nước là du khách thường sử dụng Internet để tìm dịch vụ và chọn các chuyến đi.

Những người làm du lịch cũng dùng Internet như một kênh không thể thiếu để quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng chung này lại là câu chuyện không chỉ của riêng ngành du lịch mà của cả những người đào tạo nhân lực du lịch.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế chọn giới thiệu xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế chọn giới thiệu xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Thay vì phải đến tận các công ty du lịch để tìm hiểu về chuyến đi, nhiều khách du lịch chọn cách tìm kiếm thông tin trên mạng Internet trước khi quyết định đi đâu, sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào... Xu hướng này đang ngày một tăng vì sự tiện ích của dịch vụ cũng như giúp du khách thoải mái lựa chọn, so sánh giá mà không phải tốn quá nhiều thời gian.

Chọn sản phẩm du lịch trực tuyến

Thích đi du lịch tự túc nên chị Lê Thu Hà (35 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thường xuyên tìm hiểu thông tin trên mạng Internet để chuẩn bị cho chuyến đi của mình, nhất là những chuyến đi xa.

Chị chia sẻ, tìm hiểu trên các trang trực tuyến không chỉ giúp mình có thông tin về tour, tuyến, sản phẩm mà mình còn biết được những đánh giá về chất lượng dịch vụ từ những người từng sử dụng để có lựa chọn phù hợp nhất với túi tiền của mình, tránh tình trạng mua phải sản phẩm quảng cáo không đúng thực tế. Thông thường, chị chọn những trang trực tuyến uy tín, được nhiều người theo dõi, đánh giá, còn những trang quảng cáo chỉ xem để tham khảo.

Nhiều du khách nước ngoài đi du lịch tự túc cũng thường dựa vào các trang mạng uy tín để đặt các dịch vụ phòng. Chị Trần Thanh Loan, chủ hostel Barney’s Da Nang trên đường Trần Hưng Đạo cho biết, rất nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là những người trẻ thường dựa vào những phản hồi, bình luận của những người đã sử dụng dịch vụ trên các trang đặt phòng lớn như Booking, Tripadvisor, Agoda… để đặt phòng.

Vì vậy, việc tương tác với khách hàng trên các trang trực tuyến là một trong những yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công trong hoạt động kinh doanh dịch vụ. Bởi chỉ cần một vài sự đánh giá chất lượng sản phẩm hay dịch vụ không tốt thì khách hàng (khi chưa sử dụng dịch vụ) sẽ ngần ngại quyết định đặt/mua sản phẩm của mình; ngược lại nếu được đánh giá tốt thì cơ hội bán được sẽ cao hơn.

Cũng thường xuyên quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của công ty trên các trang trực tuyến, trang mạng xã hội, anh Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà (Viet Da Travel) cho rằng, đây là hình thức tiếp thị và tiếp cận hiệu quả, lại ít tốn chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là ngành dịch vụ du lịch.

Sự thay đổi cần thiết

Trước xu hướng này, ông Đinh Văn Lộc cho rằng, thành phố nên chăng mở những lớp đào tạo miễn phí cho doanh nghiệp du lịch về thương mại điện tử và giảng viên phải là những người thật giỏi trong lĩnh vực này. Việc đào tạo cần hướng theo từng ngành như khách sạn, lữ hành để đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng quan điểm, chị Trần Thị Kim Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ du lịch Biển Ngọc cho rằng, bây giờ chỉ cần một thiết bị điện tử kết nối internet là du khách có thể đặt được các dịch vụ liên quan đến chuyến đi của mình, do đó người làm kinh doanh phải nhanh chóng nắm bắt xu thế và thay đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tế của khách.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Internet phát triển mạnh đồng nghĩa với sự thay đổi trong cách khách du lịch lựa chọn và tìm kiếm thông tin. Bắt kịp xu hướng đó, hầu như các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đều đã xây dựng trang web riêng và các trang mạng xã hội nhằm quảng bá sản phẩm của đơn vị mình. Nhiều công ty lữ hành và nhà hàng, khách sạn còn áp dụng song song việc khách có thể đặt tour, phòng, thanh toán trực tuyến ngay trên trang web.

Tại Đà Nẵng, từ năm 2015, Sở Du lịch đưa vào hoạt động chính thức Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng tại địa chỉ tourism.danang.vn và phát triển các trang mạng xã hội như: Facebook Danang FantastiCity; Instagram danang_fantasticity.

Cuối năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục tiên phong khi là thành phố đầu tiên trên cả nước ra mắt ứng dụng “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động”: Danang FantastiCity Ver 1.0 trên 2 hệ điều hành Android và IOS.

Ứng dụng đã thu hút sự quan tâm lớn của du khách. Hay mới đây có thí điểm phát triển kênh thông tin tra cứu du lịch tự động mới (ứng dụng chatbot) trên tin nhắn đầu tiên tại Việt Nam có tên chatbot Danang Fanstaticity…

Năm 2017, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ bổ sung thêm ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cho trang web tourism.danang.vn và ứng dụng Danang FanastiCity.

Đồng thời, ra mắt phiên bản mới “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động”: Danang FantastiCity Ver 2.0 với nhiều ưu điểm nổi trội như: tiện ích sự kiện đếm ngược, tổng hợp các thông tin về sự kiện, thời gian và lịch trình chi tiết của từng sự kiện đang diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng hay tiện ích E-Coupon (E-Coupon là dạng mã khuyến mãi tiện lợi sử dụng trên thiết bị di động, người dùng có thể lưu trữ thông tin trực tuyến trên thiết bị cầm tay, có thể gọi điện, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử trực tiếp đến doanh nghiệp để đặt dịch vụ).

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.