Sáng tạo cùng chuyên gia

.

Nếu như trước đây, các cuộc thi khoa học-kỹ thuật dành cho học sinh chỉ nghiêng về đánh giá và trao thưởng đối với sản phẩm đã hoàn thành, thì nay, với cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent dành cho học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các em có thể được nêu ý tưởng và cùng thực hiện với các chuyên gia, nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm.

Học sinh được các chuyên gia của Đại học Đà Nẵng hướng dẫn tận tình để đưa ý tưởng vào thực tiễn.
Học sinh được các chuyên gia của Đại học Đà Nẵng hướng dẫn tận tình để đưa ý tưởng vào thực tiễn.

Mang đến cuộc thi ý tưởng về chiếc thùng rác thông minh, Trần Gia Huy, học sinh lớp 10/8, Trường THPT Nguyễn Trãi mong muốn giúp công nhân đô thị có thể giảm áp lực trong việc thu gom rác. “Những chiếc thùng rác này có thể tự di chuyển khi rác đầy thùng để đổ vào bãi rác. Công nhân đô thị chỉ cần đến bãi rác để gom rác, vừa thuận tiện vừa đỡ tốn công sức”, Huy chia sẻ.

Nguyên lý hoạt động của chiếc thùng rác mà Huy đưa ra là thùng sẽ tự động di chuyển với lộ trình vạch kẻ sẵn và di chuyển về trạm đúng giờ. Thùng rác được gắn hệ thống có các cảm biến thông minh (tự động báo rác đầy, đóng mở nắp khi có người bỏ rác, định vị trí bằng GPS...).

Trong lúc đó, trạm sẽ tự động thu gom, giám sát lộ trình các thùng rác di chuyển và tự động phân phối về vị trí cũ. Thùng rác có thể được dễ dàng điều khiển qua máy tính và sạc nguồn chính ác-quy bằng năng lượng mặt trời.

Ý tưởng của Huy được ban tổ chức đánh giá khá cao. “Em ấp ủ ý tưởng này từ lâu rồi nhưng chưa thể thực hiện được vì thiếu kinh phí, thiết bị và cũng lo về tính thực tế. Tuy nhiên, đến cuộc thi này, em được các thầy cô hướng dẫn, định hướng và được hỗ trợ một bo mạch để có thể hoàn thiện sản phẩm”, Huy thổ lộ.

Còn Nguyễn Quang Hào, học sinh lớp 10/6, Trường THPT Phan Châu Trinh mang đến cuộc thi ý tưởng về chiếc hộp xanh có thể tăng năng suất cho cây trồng. Quang Hào cho biết, chiếc hộp này được lắp ráp các bộ phận như cảm biến độ ẩm để tự động tưới cây, cảm biến ánh sáng để cung cấp ánh sáng cho cây, giúp quang hợp tốt hơn... Các thông số sẽ được hiển thị ở màn hình LCD giúp chủ nhân có thể quản lý.

“Đây là sản phẩm giúp tự động hóa công việc tạo ra rau sạch. Cách trồng thủ công có thể không bảo đảm năng suất cho cây trồng vì thiếu/dư nước, ánh sáng... Chiếc hộp của em sẽ giải quyết được việc đó”, Hào khẳng định. Quang Hào chia sẻ thêm, em đến với cuộc thi này để được cùng làm việc với các chuyên gia và được hướng dẫn nhiều hơn để hoàn thiện sản phẩm.

TS. Trần Thế Vũ, Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, một trong các huấn luyện viên cho biết, mỗi đội sẽ có 2 chuyên gia về kỹ thuật và kinh tế theo sát để hỗ trợ các em. Các thí sinh sẽ được các thầy hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hỗ trợ kiểm tra, phát triển các mẫu thử. Ngoài ra, mỗi đội còn được hỗ trợ một bo mạch trị giá khoảng 60 USD và tiền mua thêm linh kiện cho sản phẩm.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh cho biết, đây là sân chơi nhằm khuyến khích học sinh THPT đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ - kỹ thuật. Hoạt động này giúp các em vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

“Chúng tôi cũng muốn rèn luyện cho các em khả năng làm việc nhóm, tự do sáng tạo và chia sẻ cũng như hiện thực hóa các ý tưởng thông qua quy trình trải nghiệm sáng tạo để tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội và cộng đồng. Ngoài ra, các em còn được các chuyên gia công nghệ hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cần thiết, cách triển khai ý tưởng trên bảng mạch điện tử và được gặp gỡ các doanh nhân thành đạt trong giới khởi nghiệp. Những sản phẩm vào chung kết và có tính ứng dụng cao sẽ được chọn để giới thiệu cho doanh nghiệp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”, TS Hương nói.

Cuộc thi trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức vào chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 14-1 đến 10-2. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 14 đội học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố. Với các bo mạch Galileo do Intel cung cấp, những đội dự thi chọn đề tài độc lập để phát triển một sản phẩm ứng dụng với chủ đề liên quan đến “Thành phố thông minh”.

Cuộc thi được chia làm 4 giai đoạn: khởi động - thiết kế - thực hiện và trình bày. Trong đó, thí sinh sẽ được thực hành tại không gian sáng chế Maker Innovation Space thuộc Đại học Đà Nẵng để triển khai ý tưởng trên các bảng mạch điện tử, chế tạo các mẫu thử nghiệm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.