.

Sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên

.

Hoạt động của 8 trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đà Nẵng đang gặp khó do số lượng học sinh đầu vào ngày càng ít. Vì thế, thành phố có chủ trương sáp nhập các trung tâm này, nhưng liệu việc sáp nhập có giúp các trung tâm hoạt động hiệu quả hơn?

Việc tuyển sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề ngày càng khó khăn hơn. TRONG ẢNH: Giờ học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề quận Thanh Khê.
Việc tuyển sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề ngày càng khó khăn hơn. TRONG ẢNH: Giờ học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề quận Thanh Khê.

Từ năm 2011, Đà Nẵng thành lập các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề (gọi tắt là trung tâm GDTX) tại 7 quận, huyện. Các trung tâm này ngoài việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục như: xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, còn có nhiệm vụ tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, liên kết đào tạo chương trình trung cấp, cao đẳng và đại học.

Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của các trung tâm GDTX gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh đầu vào ở các lớp bổ túc văn hóa bậc THCS, THPT, các lớp liên kết ngành nghề ngày càng ít. Nếu như năm học 2015-2016, số lượng học sinh bổ túc THCS của tất cả 8 trung tâm chỉ có 6 lớp với 73 học sinh, bổ túc THPT có 50 lớp với 1.605 học sinh (bình quân mỗi trung tâm có chưa đến 7 lớp), thì năm học 2016 - 2017, bổ túc THCS có 3 lớp với 37 học sinh, bổ túc THPT có 54 lớp với 1.750 học sinh.

Hiện nay, một số trung tâm GDTX dạy nghề phổ thông, dạy tin học, ngoại ngữ và liên kết mở một số nghề như: lái ô-tô, bồi dưỡng kế toán, kỹ thuật điện, trung cấp mầm non. Tuy nhiên, số lượng học viên ở các lớp trên không đáng kể. Ngoài ra, do số giáo viên giảng dạy (trong biên chế và lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) quá ít nên các trung tâm GDTX phải mời giáo viên các trường THPT trên địa bàn thỉnh giảng.

Song, số tiền chi trả cho 1 tiết dạy ở các trung tâm hiện nay chỉ khoảng từ 25.000-30.000 đồng nên rất khó thu hút giáo viên. Đơn cử như tại Trung tâm GDTX thành phố Đà Nẵng, hiện nay giáo viên đứng lớp chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng và thù lao mỗi tiết dạy chỉ 30.000 đồng. Năm nay, đơn vị này tuyển được thêm 66 học sinh vào lớp 10, nâng tổng số học sinh lên 184 em.

Hay như Trung tâm GDTX quận Thanh Khê, nơi được xem là một trong những đơn vị có số lượng học sinh tuyển được khá nhiều với hơn 500 em nhưng chỉ có 18 giáo viên (3 thành viên trong Ban Giám đốc cũng trực tiếp đứng lớp), trong đó 13 giáo viên thỉnh giảng, phần lớn là giáo viên đã nghỉ hưu. “Thực sự các giáo viên thỉnh giảng chủ yếu vì tình cảm gắn bó với trung tâm chứ thù lao không nhiều. Nếu trả quá cao thì rất khó có kinh phí để hoạt động”, ông Nguyễn Văn Thục, Giám đốc Trung tâm GDTX quận Thanh Khê nói.

Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng đã đề xuất lãnh đạo thành phố sắp xếp lại các trung tâm GDTX trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm số lượng người làm việc, lấy thu bù chi và tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động. Ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở GD&ĐT cho biết, việc sáp nhập dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 6-2017.

Hiện nay, tại Trung tâm GDTX thành phố và 7 Trung tâm GDTX quận, huyện có 141 biên chế, trong đó cán bộ quản lý là 17 người và giáo viên 87 người, nhân viên 37 người. “Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy gắn với bố trí công chức, viên chức và người lao động phù hợp với việc làm, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ”, ông Đặng Thanh cho biết.

Việc sáp nhập các trung tâm sẽ được tiến hành theo địa bàn để thuận tiện cho các hoạt động. Chẳng hạn như Trung tâm GDTX quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà sẽ sáp nhập với Trung tâm GDTX thành phố; Trung tâm GDTX huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ sẽ được sáp nhập với nhau; Trung tâm GDTX quận Hải Châu, Liên Chiểu và Thanh Khê sẽ được sáp nhập làm một. Đồng thời, các trung tâm được đổi tên thành số 1, 2 và 3. Tuy nhiên, theo số lớp của các trung tâm hiện có thì sau sáp nhập vẫn chưa đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định (2,25 giáo viên/lớp). Bởi vậy, sẽ có sự bổ sung thêm khoảng hơn 130 giáo viên.

Mặc dù việc sáp nhập là cần thiết, nhưng theo ý kiến của nhiều cán bộ ngành giáo dục, cần phải tính đến những bất cập sau khi sáp nhập. “Nếu sáp nhập 3 trung tâm ở 3 địa phương, như Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu với nhau thì việc di chuyển của học sinh ở quận Liên Chiểu đến quận Thanh Khê sẽ khó khăn hơn.

Nếu không có những phương án kèm theo, thì các em rất dễ bỏ học; đồng thời, sau sáp nhập cũng phải có cách làm, cách hoạt động mới để mang lại hiệu quả”, lãnh đạo một Trung tâm GDTX nói. Cũng theo vị này, nếu thành lập mới 3 Trung tâm GDTX cấp thành phố thì liệu các lớp xóa mù chữ hiện nay đang hoạt động tại các quận, huyện có còn nữa hay không, bởi Trung tâm GDTX cấp thành phố không có chức năng này.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.