.
Thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa

.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh chỉ dự thi 4 môn. Ngoài 2 môn bắt buộc là Văn và Toán, thí sinh tự chọn 2 trong 6 môn còn lại gồm: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ để dự thi.

Thí sinh nghe giám thị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú. 								Ảnh: P.CHI
Thí sinh nghe giám thị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú. Ảnh: P.CHI

Nhằm định hướng, giúp học sinh nắm vững kiến thức, tự tin vượt qua kỳ thi này, các giáo viên bộ môn ở các trường THPT trên địa bàn thành phố chia sẻ kinh nghiệm về cách ôn tập, củng cố kiến thức.

* Cô Trần Thị Thúy Vy, giáo viên tiếng Anh- Trường THPT Thái Phiên:

Phát huy tính phán đoán, suy luận nhanh

Để ôn tập tốt môn tiếng Anh, các em phải nắm vững kiến thức sách giáo khoa (SGK), chủ yếu lớp 12. Ngoài việc phải tự học, tự ôn tập, củng cố kiến thức, nếu có điều kiện, học sinh tổ chức học nhóm với nhau. Để dễ nhớ, học sinh nên đọc các văn bản bằng tiếng Anh để nhớ từ, cấu trúc câu, nắm vững các thì, từ loại, giới từ, ngữ âm, luyện các kỹ năng đọc hiểu… Ngoài ra, học sinh tự tìm kiếm các đề thi cũ cho quen với các dạng đề thi, càng giải bài tập nhiều thì càng nhớ nhiều, đồng thời qua đó biết mình mạnh mặt nào, yếu mặt nào thì bổ khuyết kiến thức.

Đề thi tiếng Anh ra theo hình thức trắc nghiệm, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Với những câu đã làm quen, chắc chắn thì nên chọn ngay đáp án. Khi làm bài cần phân bố thời gian hợp lý, đừng tập trung nhiều thời gian cho một câu, các em cần phát huy tính phán đoán, suy luận nhanh.

* Thầy Lê Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, giáo viên Địa lý:

Cần đọc kỹ đề thi

Trong quá trình học và ôn tập, học sinh cần nắm vững những khái niệm, quy luật và biết nhận diện cấu trúc chương trình. Thông thường đề thi được Bộ GD-ĐT ra chủ yếu ở chương trình lớp 12, theo hướng 50% câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống và 50% học thuộc lòng. Môn Địa lý là môn học tổng hợp giữa tự nhiên và xã hội. Nếu học sinh học khá kiến thức về tự nhiên thì sẽ học tốt Địa lý, vì các em có khả năng khái quát, phân tích tốt. Theo tôi, để học tốt, các em phải mua cuốn Atlat Địa lý, giúp hiểu bài nhanh và tìm ra dấu hiệu bản chất của đề.

Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp môn Địa ra theo hướng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Bởi vậy, với những câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức xã hội, học sinh cần rèn luyện khả năng tư duy, phân tích cho tốt. Siêng đọc thêm sách, báo, tài liệu ở một số lĩnh vực để vận dụng làm bài thi đạt kết quả cao. Lưu ý khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề thi, dùng bút gạch dưới những cụm từ chính đề yêu cầu trả lời và ghi ý chính ra giấy nháp. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

* Cô Nguyễn Thị Hồng Anh, giáo viên Vật lý - Trường THPT Phan Châu Trinh:

Không học tủ

Quá trình ôn tập, học sinh phải nắm vững lý thuyết trong SGK, công thức tính toán, tuyệt đối không được học tủ. Thường thì đề thi tốt nghiệp trắc nghiệm môn Lý ra theo hướng gọn nhẹ, nhiều câu hỏi chỉ cần tính toán 1-2 bước là có kết quả, chứ không phức tạp, yêu cầu cao như đề đại học.

Đề thi trắc nghiệm thường hay đánh đố, nên học sinh cần phải đọc kỹ câu dẫn để xem đề hỏi gì. Trường hợp hỏi tìm câu đúng thì đánh dấu câu đúng, trường hợp yêu cầu tìm câu sai thì phải đánh dấu câu sai. Bởi thực tế, nhiều học sinh không đọc kỹ đề, người ta yêu cầu tìm câu sai thì lại đánh dấu câu đúng, dẫn đến bị mất điểm. Trong quá bình làm bài, các em dành thời gian đọc qua các câu hỏi trong đề, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, tránh việc dành nhiều thời gian cho câu hỏi khó, không đủ thời gian làm bài.                   

* Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Thanh Khê:

Trình bày bài ngắn gọn, súc tích

Trước đây đề văn thi 150 phút, nhưng năm nay chỉ thi trong 120 phút. Nếu đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn ra 3 câu hỏi như mọi năm, học sinh phải chú ý trình bày bài ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm mới đủ thời gian.

Câu 1 thường là câu thuộc bài, yêu cầu tái hiện kiến thức về một tác phẩm văn học Việt Nam hoặc văn học nước ngoài. Để làm được câu này, ngoài việc học thuộc, các em còn phải nắm những chi tiết nghệ thuật đặc sắc của các tác phẩm. Khi làm bài có thể gạch đầu dòng từng ý thì cũng đủ để kiếm điểm. Với câu thứ 2 nghị luận xã hội, học sinh nắm thật chắc phương pháp làm bài nghị luận xã hội như giải thích, bàn luận và rút ra bài học nhận thức, hành động. Phải bảo đảm các kỹ năng làm bài văn với 3 phần mở bài, thân bài và kết luận.

Cuối cùng là phần câu hỏi tự chọn, học sinh chỉ làm 1 trong 2 câu. Trong quá trình ôn tập, các em nắm chắc các tác phẩm văn xuôi, thơ. Nếu trường hợp đề ra phân tích, bình luận… tác phẩm văn xuôi, học sinh tránh kể lan man theo nội dung câu chuyện, mà phải biết trình bày theo luận điểm, nắm vững kiến thức cơ bản để đưa luận chứng làm rõ thêm luận điểm đã nêu. Còn đề ra liên quan đến tác phẩm thơ, các em cần làm rõ yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm, qua đó làm rõ nội dung tư tưởng tác giả thể hiện qua tác phẩm, tránh diễn xuôi ý thơ. Khi làm bài thi, các em bình tĩnh, tự tin, dành thời gian lập dàn ý trên giấy nháp, phân bố thời gian hợp lý làm bài.

* Thầy Phạm Được, giáo viên Sử - Trường THPT Ngũ Hành Sơn:

Tránh nhầm lẫn các sự kiện

Môn Sử có nhiều con số, sự kiện. Vì vậy, để ôn tập, củng cố kiến thức hiệu quả, học sinh nên chia từng giai đoạn lịch sử. Với mỗi giai đoạn, các em hãy nhớ những vấn đề cơ bản, nắm vững kiến thức trọng tâm của từng vấn đề. Tốt hơn hết, học sinh nên ghi mốc sự kiện quan trọng ra giấy nháp và xâu chuỗi sự kiện một cách logic.

Trước khi làm bài thi, các em đọc kỹ câu hỏi, gạch dưới những ý chính xem đề yêu cầu trả lời những gì. Sau đó, ghi ra giấy nháp các sự kiện để tránh nhầm lẫn sự kiện này qua sự kiện khác. Bài làm cần trả lời rõ ràng, mạch lạc những vấn đề mà đề thi yêu cầu, tránh trả lời dài dòng, lan man.

* Thầy Nguyễn Quốc Khánh, giáo viên Toán - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Ôn tập theo chủ đề và theo dạng đề tổng hợp

Học sinh cần bám SGK lớp 12, tài liệu ôn thi, hướng dẫn ôn thi theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Học sinh nên ôn tập theo chủ đề và ôn theo dạng đề tổng hợp, nắm vững kiến thức cơ bản, lý thuyết trong SGK.

Thông thường đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán có các phần kiến thức khảo sát hàm số, tích phân, hình học không gian, hình học giải tích trong không gian, số phức, phương trình... Trong đó, các em cần lưu ý phần hình học không gian, chú trọng kỹ năng tính toán, nắm chắc công thức và tuân thủ các bước giải của bài toán để đạt điểm cao.

Học sinh nên thường xuyên giải bài tập, làm quen các dạng đề để rèn luyện kỹ năng làm bài.

PHƯƠNG CHI ghi

;
.
.
.
.
.