.

Dạy trẻ nói "không" với tình huống xấu

.

Vừa qua, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra một số vụ nghi bắt cóc trẻ em sau giờ tan học khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vì vậy, việc giúp bé biết nói “không” và có những ứng xử phù hợp trong tình huống xấu là điều cần thiết.

Nỗi lo đón con trễ

Cứ khoảng 16 giờ 30, học sinh tiểu học các trường lại ùa ra trước cổng chờ bố mẹ đón. Tại Trường tiểu học Trần Thị Lý, vào giờ này có rất đông phụ huynh đến đón con. Đang đứng chờ con, anh Nguyễn Văn Thành (37 tuổi, nhân viên văn phòng, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết: “Hai vợ chồng mình cứ thay phiên nhau về trước giờ tan tầm để đón con, chứ không dám để cháu đợi lâu”. Anh nói, mấy vụ nghi bắt cóc học sinh tiểu học ở quận Thanh Khê làm anh lo lắm. “Mình “trốn” việc, về trước hoài trong khi công việc nhiều lúc chưa xong, bất tiện lắm, đành phải nói sếp thông cảm nhưng biết làm sao”, anh Thành thổ lộ.

Không phải gia đình nào cũng nhờ được ông bà đi đón cháu, nên cha mẹ dù chưa đến hết giờ làm nhưng phải cố gắng về đón con. Chị Nguyễn Thu An (34 tuổi, nhân viên ngân hàng, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, có lần chồng về muộn và nói chị đón con nhưng do công việc nhiều quá nên 17 giờ 30 chị mới tất tả đến trường. Khi đến nơi, bảo vệ nói đã có người đón bé. Điện thoại cho chồng thì “tá hỏa” vì anh chưa đón con. Hai vợ chồng tính báo công an thì vừa kịp lúc cô em chồng dắt bé vào nhà. Hóa ra cô em chồng đến chơi mà chưa thấy bé về liền đến trường đón cháu. Hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm. “Sau đợt đó, mình và chồng không dám đến đón con trễ nữa. Hơn nữa, cổng trường sau giờ tan học vắng người, bé đứng một mình rất nguy hiểm. Giá như giờ tan học trùng với giờ đi làm về thì tốt biết mấy”, chị An nói.

Đến nay, gia đình em Nguyễn Võ Tường Vy (8 tuổi, học sinh lớp 3/4 Trường tiểu học ĐBL (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) vẫn chưa hết bàng hoàng. Tan trường, Vy cùng bạn chờ mẹ đến đón thì bất ngờ bị hai người lạ mặt ép lên xe máy và chở đi. Rất may do hai em vùng vẫy nên chúng đã không thực hiện được ý đồ.

Mới đây, một vụ việc tương tự xảy ra tại Trường tiểu học ĐBP (quận Thanh Khê). Em Trần Thúy Bình (học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học ĐBP gọi điện xin mẹ về muộn do ở lại tập múa với bạn đến 17 giờ 30. Tập múa xong sớm, bố mẹ chưa đón, khi Bình đang đi bộ về nhà thì có người đàn ông cầm tay em định kéo lên xe. Vì Bình khóc và la lên nên người này bỏ đi.

Giữ khoảng cách với người lạ

Thầy T. (Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê) cho biết: “Nhà trường chỉ quản lý các em trong giờ học, còn sau giờ tan trường, khi các em ra khỏi cổng thì rất khó quản lý”. Tuy nhiên, trước nhiều vụ việc đáng lo ngại như trên, nhiều phụ huynh cho rằng, ngoài việc khuyến cáo phụ huynh đón con đúng giờ, nhà trường cũng cần có những biện pháp phù hợp. “Theo tôi, nhà trường chỉ nên cho các em ra khỏi cổng sau khi có phụ huynh đến đón. Còn với những em chưa có người nhà đến đón thì vẫn để các em chơi trong khuôn viên trường cho an toàn, bởi ra đường rất nguy hiểm, vừa dễ bị tai nạn giao thông, vừa dễ bị đối tượng xấu lợi dụng. Bố mẹ nào có đón con muộn thì bảo vệ vẫn phải có trách nhiệm trông coi các cháu”, anh Lê Hùng (36 tuổi, có con học Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, quận Thanh Khê) bày tỏ.

Thầy Nguyễn Hữu P., Hiệu trưởng Trường tiểu học ĐBP, cho biết nhà trường đã tuyên truyền, cảnh báo phụ huynh, học sinh cần đề cao cảnh giác. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, họp giáo viên nhắc nhở học sinh. Ngoài ra, phải dạy các em biết phản kháng trước hành động xấu để tự bảo vệ mình”, thầy P. cho biết.

Tuy nhiên, dạy trẻ nên tạo khoảng cách với người lạ thực ra dễ mà  khó, bởi có thể khiến bé sợ hãi trước chỗ đông người, tạo tâm lý không tốt, luôn ngờ vực đối với bé. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), phụ huynh có thể bắt đầu dạy trẻ cần giữ khoảng cách nhất định (không nhận quà bánh của người lạ, không đi theo người lạ đến bất cứ đâu)… “Thường thì người lạ có ý đồ xấu hay chiều theo ý trẻ, dụ dỗ trẻ. Bởi vậy, cha mẹ nên cho con thấy mình yêu thương con như thế nào để trẻ cảm nhận không ai có thể bằng bố mẹ. Từ đó, trẻ không đi theo họ, nghe lời người lạ. Đồng thời nên dạy con ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà ở, trong trường hợp khẩn cấp, bé có thể nhờ được một ai đó giúp đỡ”, thạc sĩ Hằng Phương nói.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.