.

Quan hệ Nga - phương Tây ấm trở lại?

.

Cuộc xung đột ở Ukraine và sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga đã làm quan hệ giữa Mátxcơva với phương Tây trở nên “băng giá” kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Thế nhưng, sau khi có thỏa thuận Minsk để các bên liên quan từng bước giải quyết vấn đề Ukraine thì sự căng thẳng giữa Nga với phương Tây có xu hướng giảm dần.

Đặc biệt, kể từ cuối năm 2015, theo đề nghị của Damascus nhằm hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga phát động chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, nhanh chóng làm suy yếu IS, thì quan hệ giữa Nga với phương Tây bắt đầu xuất hiện “sự hợp tác trong thế đối đầu”.

Sự tham chiến của Nga để chống IS cũng như giải quyết cuộc nội chiến ở Syria nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố đã làm vị thế của Mátxcơva tăng lên, thay đổi cán cân lực lượng cả về quân sự lẫn chính trị trên thế giới, nhất là ở khu vực Trung Đông.

Hành động này của Nga buộc Mỹ và các đồng minh khác không thể không hợp tác để chống IS và giải quyết căn bản cuộc xung đột ở Syria kéo dài nhiều năm qua làm gần 300.000 thường dân thiệt mạng cùng hàng chục triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Kéo theo hệ quả này là hàng chục triệu người dân Syria và các quốc gia khác ở Trung Đông kéo đến châu Âu, tạo ra gánh nặng về kinh tế cũng như an ninh và xã hội.

Ở một bình diện khác, với sự tham gia tích cực của Nga cùng những bước hợp tác ban đầu giữa Mátxcơva và Washington, nhiều vấn đề quốc tế gai góc đã được giải quyết, hoặc có những tín hiệu khả quan sau thời gian dài bế tắc. Ví dụ điển hình nhất là vai trò của Nga trong việc đạt được thỏa thuận khung cho chương trình hạt nhân của Iran, tháo gỡ mối lo ngại kéo dài hơn 11 năm qua về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.

Mặt khác, khi Nga tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, sau sự kiện Ankara bắn rơi chiếc Su-24 của Mátxcơva trên không phận Syria, cho thấy một dấu hiệu đối đầu khác có thể xảy ra. Điều này hoàn toàn không có lợi cho phương Tây cũng như cho cuộc chiến chống IS mà Mỹ và các nước châu Âu đang cần nhất trong bối cảnh hiện nay.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng, ở châu Âu, hầu như không ai muốn cuộc đối đầu với Nga kéo dài. Vì thế, rất nhiều chính phủ châu Âu sẽ đi đến kết luận rằng, lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine và “sự khởi đầu tiến trình chính trị” ở nước này tạo đủ điều kiện để dần khôi phục các mối liên hệ với Nga.

Một dấu hiệu rõ ràng nhất là ngày 19-1, phát biểu tại cuộc họp báo do Hiệp hội báo chí nước ngoài (VAP) tổ chức tại Berlin (Đức), Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố ủng hộ việc nối lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO.

Ông Steinmeier nhấn mạnh ủng hộ nối lại các cuộc đối thoại với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO, đồng thời cho biết bản thân ông trong cuộc họp gần đây của Hội đồng NATO cũng đã tìm cách nối lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO.

Theo ông Steinmier, Nga và NATO cần nhiều kênh đối thoại hơn để tranh những hiểu nhầm (Hội đồng Nga - NATO đã bị đình chỉ hoạt động từ ngày 1-4-2014 sau khi các ngoại trưởng NATO ra tuyên bố phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea).

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Bild (Đức) đã cho rằng: “Nga không phải là nước cắt đứt quan hệ hợp tác với G8 hay Hội đồng Nga - NATO. Chúng tôi sẵn sàng tương tác, song một mối quan hệ chỉ có thể vui vẻ khi cả hai bên có cùng thiện chí”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 15-1, trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov và trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland đã tiến hành tham vấn về thỏa thuận Minsk trong 6 giờ tại thành phố Kaliningrad của Nga. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, cuộc đàm phán trên là sự tiếp nối cuộc gặp hồi tháng 12-2015 giữa Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Sau đó 2 ngày, trả lời phỏng vấn báo chí, điều phối viên về chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried tuyên bố những lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt nhằm vào Nga có thể được dỡ bỏ trong năm nay.

Ông Fried nêu rõ: “Ngay khi thỏa thuận Minsk được thực thi, các cuộc bầu cử tại Donbass sẽ được tổ chức, các hoạt động quân sự sẽ chấm dứt và biên giới phía đông của Ukraine sẽ được khôi phục. Dường như Nga đang chuẩn bị một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Chúng ta chỉ có thể hoan nghênh và hy vọng điều này sẽ đạt được trong năm nay”.

Tuy vậy, quan hệ Nga - phương Tây dù có dấu hiệu “ấm lên” nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn. Bởi lẽ, thực tế, đó là sự “hợp tác trong đối đầu”, đặc biệt khi nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của một nước Nga ngày càng quyết đoán và mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Nhưng để Nga và phương Tây có thể hợp tác hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, Ukraine, sự hoành hành của IS…, điều mấu chốt là các bên phải nhượng bộ lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và xây dựng được lòng tin chiến lược.

Nếu hóa giải được “nút thắt” đó, quan hệ Nga - phương Tây sẽ dần ấm trở lại.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.