.

"Con đường đau khổ" không dừng lại

Dự luật về gói cải cách thứ hai đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua sau 5 tiếng đồng hồ tranh cãi gay gắt với 230 phiếu thuận và 63 phiếu chống để đổi lấy khoản cứu trợ 86 tỷ euro của các chủ nợ.

Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác nếu muốn ở lại khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Song, Chủ tịch Quốc hội so sánh gói “thắt lưng buộc bụng” này như một cuộc đảo chính. Thủ tướng Alexis Tsipras, người từng cam kết chấm dứt việc “thắt lưng buộc bụng” khiến nền kinh tế Hy Lạp kiệt quệ, một lần nữa phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập để thông qua dự luật. Ông nói rằng, “con đường đau khổ” không dừng lại ở đây.

Điều đáng nói là lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần, ông Tsipras đối mặt với sự nổi dậy từ chính đảng cầm quyền của mình. Ngày 16-7, 39 nghị sĩ thuộc đảng Syriza đã bỏ phiếu chống và phiếu trắng đối với gói cải cách thứ nhất. Còn lần này, ngày 23-7, 36 nghị sĩ Syriza đã bỏ phiếu chống và phiếu trắng.

Các nhà quan sát cho rằng, cuộc bỏ phiếu ngày 23-7 là phép thử quan trọng đối với chính phủ của Thủ tướng Tsipras sau khi ông phải cải tổ nội các, sa thải 3 Bộ trưởng - những người chống đối “thắt lưng buộc bụng”.

Người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Olga Gerovassili thừa nhận sự chia rẽ trong Quốc hội và sự chia rẽ này có thể buộc chính phủ kêu gọi bầu cử sớm. Sức ép quả thật đang gia tăng đáng kể đối với ông Tsipras khi không thể làm vừa lòng đảng của mình cũng như cử tri Hy Lạp, nhưng cũng không thể để nền tài chính của đất nước sụp đổ.

Khoảng 6.000 người biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội vào đêm 22-7, trước lúc các nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua dự luật, là minh chứng về những khó khăn mà vị Thủ tướng cánh tả phải đối diện. Katerina và George Sergidou Kokkinavis, hai thành viên của Syriza, đã tham gia cuộc biểu tình với lý do: “Chính phủ không còn lắng nghe người dân”.

Khó khăn dễ dàng nhận thấy đối với liên minh do đảng Syriza dẫn đầu là liên minh này khó có thể tiếp tục nắm quyền khi Thủ tướng Tsipras phải nhờ đến sự ủng hộ của các nghị sĩ đối lập. Lý giải của ông Tsipras về “tình trạng khẩn cấp” của đất nước không thuyết phục được những người chống đối. Nhiều lý do được đưa ra, trong đó có sự thất vọng của Syriza về lập trường của ông Tsipras.

Từ một người kiên quyết chống “thắt lưng buộc bụng”, ông nhượng bộ và chấp nhận hoàn toàn các yêu sách của châu Âu. Điều đó có nghĩa, “con đường đau khổ” của Hy Lạp sẽ không dừng lại, như những gì ông Tsipras cảnh báo, bởi khủng hoảng vẫn chưa được tháo gỡ mà sự chia rẽ sẽ là một trong những rào cản lớn.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.