.

Bỏ qua "thời hạn cuối"

Trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran kéo dài 2 tuần qua, Tehran và nhóm P5+1 đã 2 lần bỏ qua “thời hạn cuối” để hoàn tất một thỏa thuận lâu dài, kéo theo nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân nhạy cảm, đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Ngày 9-7, đàm phán bước vào ngày thứ 13 tại Vienna (Áo). Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, nước ông đang chuẩn bị một kỷ nguyên “hậu trừng phạt”. Với việc tăng thời gian đàm phán đến ngày 10-7, thỏa thuận sẽ không đạt được đúng thời hạn để bảo đảm trình Quốc hội Mỹ xem xét trong 30 ngày. Nếu thỏa thuận trình Quốc hội Mỹ sau ngày 9-7 thì thời gian các nhà lập pháp xem xét sẽ kéo dài 60 ngày.

Khi cuộc đàm phán lần thứ hai bỏ qua thời hạn cuối và có thể kéo dài đến ngày 13-7, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, thông qua ngoại giao, các cường quốc sẽ loại bỏ mọi con đường dẫn đến vũ khí hạt nhân của Iran. Và khó khăn với Iran là việc thúc đẩy chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc nhưng Mỹ phản đối yêu cầu này. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho rằng, dỡ bỏ lệnh cấm vận là một trong những điểm mấu chốt gây tranh cãi nhất.

Song, một tín hiệu vui cho Iran là nước này được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga, một trong 6 cường quốc tham gia đàm phán với Tehran (cùng Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức). Tại Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra ở Ufa (Nga), Ngoại trưởng nước chủ nhà Sergei Lavrov bày tỏ quan điểm: Một thỏa thuận toàn diện sẽ bao gồm việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ông Lavrov nhấn mạnh điều quan trọng là chất lượng của thỏa thuận, chứ không phải là thời hạn đạt được thỏa thuận này.

Theo Reuters, Nga đang ngày càng “dị ứng” với các biện pháp trừng phạt kể từ khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm vận Mátxcơva xung quanh việc sáp nhập bán đảo Crimea trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Bên cạnh đó, Nga lên tiếng ủng hộ Iran cũng xuất phát từ lợi ích của Mátxcơva trong việc mua bán vũ khí và tên lửa. Hai nước đang hoàn tất thỏa thuận: Mátxcơva bán cho Tehran hệ thống tên lửa S-300.

Dù có những hoài nghi nhưng đến lúc này, thỏa thuận giữa Iran với P5+1 được cho là hoàn tất đến 98% và Tehran đang rất lạc quan. Một thỏa thuận thành công có thể là nền tảng lớn nhất trong nhiều thập niên qua trong việc hóa giải sự thù địch giữa Mỹ với Iran. Hơn nữa, đó cũng sẽ là thành công chính trị cho cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Tổng thống Iran Hassan Rouhani, khi hai nhà lãnh đạo này đều đối mặt với sự chỉ trích từ những người có quan điểm cứng rắn ở trong nước.

V.A

;
.
.
.
.
.