Vì sao chính trường Hàn Quốc lại nổi sóng?

.

Sự thất bại bất ngờ của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10-4 đã khiến Thủ tướng Han Duck-soo cùng các quan chức cấp cao trong PPP và Chính phủ đi đến quyết định từ chức.

Reuters dẫn số liệu được Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) công bố, tính đến sáng 11-4, với 99,6% số phiếu được kiểm, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đã giành được 161/254 ghế tranh cử trực tiếp, trong khi đảng PPP chỉ giành được 90 ghế. Tính cả số ghế theo tỷ lệ đại diện đảng, DP và đảng vệ tinh đã giành được 176 ghế, trong khi đảng PPP và đảng vệ tinh sẽ chỉ giành được 109 ghế trong Quốc hội gồm 300 thành viên. Với kết quả đáng thất vọng này, ngày 11-4, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đệ đơn từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng này trong cuộc bầu cử. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của đảng PPP Han Dong-hoon cũng có quyết định tương tự.

Cuộc bầu cử được coi là phép thử đối với đường hướng chính sách và thước đo cho uy tín của đảng PPP cầm quyền trước loạt thách thức liên tục diễn ra ở nước này. Quá trình vận động, đa phần những cam kết được cử tri quan tâm mà đảng PPP đưa ra đều thuộc các lĩnh vực dân sinh, gồm nâng hạn mức bảo hộ người gửi tiền tại các công ty tài chính, mở rộng đối tượng và tiêu chuẩn hỗ trợ tham gia tài khoản tiết kiệm mua nhà cho thanh niên. Trong khi đó, đảng DP đối lập chính lại đặt vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng chế độ tuần làm việc từ 4 đến 4,5 ngày; chi trả tiền trợ cấp kết hôn, thai sản, trợ cấp cho trẻ từ 8-17 tuổi mỗi tháng 148 USD...

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện có sự cạnh tranh nội tại gay gắt, dường như bị chia rẽ mạnh theo hướng phân cực rõ ràng giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ, đồng thời cấu trúc xung đột giữa các hệ tư tưởng và phe phái ngày càng gia tăng sâu sắc. Trong khi đó, cử tri càng muốn thể hiện lập trường của mình; đồng thời có thể bày tỏ bất tín nhiệm đối với chính sách của chính phủ đương nhiệm nhưng cũng có thể phản ánh sự bất mãn đối với đảng đối lập chính vì lý do cản trở guồng quay chính sách hiện tại.

Bên cạnh đó chính trường Hàn Quốc liên tiếp diễn ra cuộc khủng hoảng trầm trọng về y tế khi khoảng 9.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập, tương đương khoảng 70% tổng số bác sĩ cả nước, nghỉ việc vào cuối tháng 2-2024, cùng với biến động trong ngành vận tải và các vấn đề dân sinh khác đã làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử lần này.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ cải cách các vấn đề để phản ánh ý chí của người dân sau thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội. Theo nhận định của nhà báo John Burton trên The Korea Times, cuộc bầu cử lần này là bước ngoặt quyết định đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Chiến thắng thuộc về phe đối lập có nghĩa là nhà lãnh đạo này sẽ không có thực quyền trong phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào năm 2027. Phe đối lập kiểm soát Quốc hội nên sẽ chặn hầu hết các đề xuất của Tổng thống Yoon Suk Yeol, làm mất đà phát triển các mục tiêu mà ông đã đặt ra. Reuters dẫn lời Giáo sư khoa học chính trị Lee Jun Hwan của Đại học Quốc gia Seoul tin rằng, những khó khăn về luật pháp, ngân sách và quản lý nhà nước sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Trong khi đó, đảng DP sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế chiếm đa số ở Quốc hội để gây áp lực tối đa với chính quyền, tìm cách thông qua các dự luật mà đảng này chủ trương. Những diễn biến này càng cho thấy chính trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục sóng gió nếu cả đảng PPP và đảng DP không đi đến những thỏa hiệp cho các chính sách đối nội và đối ngoại để giải quyết các thách thức cả trước mắt và lâu dài. Giới quan sát vẫn không loại trừ khả năng đảng PPP sẽ phải chọn cách bắt tay và nhượng bộ phe đối lập trong 3 năm tới.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.