Thấy gì từ các điểm nóng xung đột hiện nay?

.

Bức tranh toàn cảnh hiện nay cho thấy tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Dù hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng với nhiều hình thái đa dạng đẩy thế giới đứng trước loạt bất ổn hiện hữu lẫn nguy cơ tiềm tàng gia tăng đáng lo ngại. Thực trạng này không chỉ xuất hiện dưới dạng mâu thuẫn về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, biên giới mà đã bùng phát thành xung đột vũ trang.

Châu Âu vốn được xem là nơi tương đối bình yên nhất từ sau Thế chiến thứ 2 nhưng vài năm trở lại đây liên tiếp rơi vào vòng xoáy bạo lực chưa từng có. Hiện, không chỉ có cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, mà còn có giữa Serbia với Kosovo, giữa Armenia với Azerbaijan ở Nagorny-Karabakh. Tại châu Phi, hàng loạt đảo chính liên tiếp diễn ra ở các nước, và mới nhất ở Gabon, có thể coi là một phần của xu hướng bất ổn bao trùm khu vực rộng lớn ở Sahel và Tây Phi với làn sóng lật đổ chính quyền, xung đột vũ trang, sự trỗi dậy của khủng bố.

Tại Trung Đông, vòng xoáy bạo lực tại Syria, Yemen, hay Lybia vẫn chưa lắng dịu thì mới đây cuộc xung đột chưa có tiền lệ giữa Hamas với Israel bất ngờ bùng phát khiến “chảo lửa” trở nên hung dữ, đồng thời tác động tiêu cực về chính trị lẫn kinh tế không chỉ ở Trung Đông mà có nguy cơ lan rộng ở phạm vi toàn cầu một khi xung đột kéo dài. Đó chỉ là bề nổi của sự bất ổn thông qua các cuộc xung đột vũ trang trong khi hàng loạt điểm nóng tiềm tàng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không hóa giải kịp thời, chẳng hạn bất đồng trong quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình bán đảo Triều Tiên.

Thế giới đang có sự phân hóa sâu sắc và thúc đẩy tiến trình hình thành trật tự mới từ đơn cực sang đa cực. Ba chủ thể nổi lên hiện nay chưa định hình rõ nét nhưng đang ló dạng để làm vai trò dẫn dắt đó là Mỹ, Nga và Trung Quốc, thông qua chính sách ngoại giao, đầu tư kinh tế. Thực tế, mỗi “đầu tàu” này đều có điểm mạnh và yếu khác nhau. Mỹ đánh mất vị trí siêu cường duy nhất, bị phân tán lực lượng và tiềm lực để ứng phó với nhiều mặt trận khác nhau ở các châu lục nhưng vẫn còn đó sức mạnh về kinh tế, quân sự và các đồng minh phương Tây thân cận để tiếp tục dẫn dắt cuộc chơi “bảo vệ an ninh nước Mỹ và thế giới tự do”.

Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với tư cách là siêu cường thứ hai về kinh tế, đẩy nhanh hiện diện khắp nơi với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó chủ yếu là châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương, qua đó trở thành đối thủ thách thức số một với Mỹ ở nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Nga đang làm mọi cách để trở lại vị trí siêu cường sau khi Liên bang Xô viết tan rã, trong đó tập trung tiềm lực quân sự, năng lượng, lương thực dồi dào đứng vào hàng đầu thế giới.

Chính sự phân mảng chưa định hình này của 3 cường quốc nói trên đã trở thành yếu tố bao trùm môi trường quốc tế cả trước mắt và trong thời gian tới, sẽ tạo thêm biến đổi sâu sắc chưa từng có tiền lệ. Sự cạnh tranh này đang tạo những thay đổi căn bản, xáo trộn lớn ở tất cả phương diện của đời sống thế giới. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ đã hoạch định lại chính sách đối ngoại để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, hậu quả của Covid-19, những thay đổi khó lường của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, làn sóng di cư bất hợp pháp từ các cuộc xung đột vũ trang, sự gia tăng hoạt động của lực lượng khủng bố ở Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi, hay hàng ngàn lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều nước khác nhau khiến hầu hết các châu lục quay cuồng trong những cơn bấn loạn chưa từng có.

Tất cả nhân tố này khiến bức tranh toàn cầu ở thế bất ổn chưa từng có khi hàng vạn người thiệt mạng, hàng chục triệu người lâm vào cảnh đói nghèo, nhanh chóng làm suy yếu, thậm chí đổ vỡ nhiều mục tiêu quan trọng về phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, giảm nghèo mà Liên Hợp Quốc, cũng như các nhóm G7, G20, BRICS, đề ra và kỳ vọng. Đây là những vấn đề nóng bỏng mà giới lãnh đạo thế giới phải có trách nhiệm giải quyết, tạo không gian hòa bình, hợp tác cùng phát triển để nhân loại không phải hứng chịu thêm bi kịch.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.