Tấn công chớp nhoáng Syria: Mỹ toan tính điều gì?

.

* Việt Nam phản đối việc dùng vũ lực đe dọa cuộc sống người dân Syria

Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Bashar Ja’afari lên án cuộc không kích do Mỹ và đồng minh Anh, Pháp tiến hành nhằm vào nước ông, đồng thời cho rằng “Chiến tranh Lạnh đang trở lại”. Tổng thống Syria Bashar al-Assad gọi đây là hành động gây hấn.

Trung tâm Nghiên cứu khoa học ở khu hành chính Barzeh, phía bắc Damascus là một trong 3 mục tiêu bị tấn công. 	Ảnh: Getty Images
Trung tâm Nghiên cứu khoa học ở khu hành chính Barzeh, phía bắc Damascus là một trong 3 mục tiêu bị tấn công. Ảnh: Getty Images

Trên Twitter tối 14-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump nhấn mạnh cuộc tấn công là hành động “tuyệt vời”, “không có kết quả nào tốt hơn như thế” và khẳng định “nhiệm vụ đã hoàn thành”. Hơn 100 tên lửa hành trình các loại của liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã xé màn đêm, lao xuống 3 vị trí được cho là nơi sản xuất và cất giấu vũ khí hóa học của Syria vào tối 13-4 (sáng 14-4, giờ Việt Nam).

Các tên lửa xuất phát từ căn cứ của Pháp ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), căn cứ của Anh ở Jordan, Cyprus và căn cứ của Mỹ ở Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cuộc không kích chớp nhoáng (kéo dài hơn 50 phút) được truyền thông phương Tây mô tả là “đòn trừng phạt” của liên quân Mỹ đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân trong nước, và đó chỉ là cuộc chiến một lần. Tuy nhiên, liệu sự việc có đơn giản như Mỹ và đồng minh tuyên bố?

Có một số vấn đề đặt ra sau vụ tấn công, trong đó cơ bản nhất là câu hỏi: chính sách cụ thể của Mỹ tại Syria cho tới lúc này là gì?

Mỹ muốn gì và sẽ làm gì?

Chỉ mới 2 tuần trước, trong bài phát biểu tại bang Ohio, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ “sớm rút quân khỏi Syria”. Ông Trump cũng từng khẳng định sẽ không can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài sau khi Mỹ “sa lầy” trong 2 cuộc chiến, làm tiêu tốn 751 tỷ USD và sinh mạng hơn 4.400 binh sĩ tại Iraq; hơn 700 tỷ USD và sinh mạng của khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Nhưng rồi cũng chính vị Tổng thống này phát lệnh khai hỏa chiến dịch đánh bom nhằm vào 3 mục tiêu, trong đó có mục tiêu tại thủ đô Damascus.

Giới quan sát đặt câu hỏi rốt cuộc Mỹ muốn gì và sẽ làm gì; hay nói cách khác, chiến lược cụ thể trong hành xử của Mỹ với Syria là gì, Washington có chiến lược rõ ràng nào không? Có phải Mỹ muốn Tổng thống Assad phải ra đi, giống như quan điểm chính sách từng được đề cập dưới thời Tổng thống Barack Obama vào những ngày đầu của cuộc nội chiến ở Syria? Hay Mỹ chỉ muốn áp đặt với Syria một “lằn ranh đỏ” trong chuyện sử dụng vũ khí hóa học của ông Assad và không có mục tiêu nào khác?

Thật khó để có câu trả lời rõ ràng, nhất là khi thông điệp phát đi từ chính phủ Mỹ không có sự đồng nhất. Khi tuyên bố quyết định quân đội Mỹ bắt đầu tấn công Syria tối 13-4, ông Trump nhấn mạnh mục tiêu số 2 liên quan “lằn ranh đỏ”.

Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikkie Haley trước đó nhấn mạnh mục tiêu số 1 khi nói rằng, sẽ không thể có một giải pháp chính trị nào cho Syria nếu ông Assad vẫn tại nhiệm.

Một câu hỏi cũng rất đáng suy nghĩ là ngoài việc “trừng phạt” chính phủ Syria vì cáo buộc họ sử dụng vũ khí hóa học, liệu chính phủ Mỹ có ý định nào khác để bảo vệ người dân Syria trong cuộc chiến đã phá hủy đất nước này suốt 7 năm qua không? Gần nửa triệu người Syria đã chết trong chiến tranh và chỉ một phần rất nhỏ trong số đó chết vì các loại vũ khí hóa học.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump thi thoảng nêu vấn đề thiết lập “các vùng an toàn” cho người dân Syria. Vậy sau cuộc không kích, bước tiếp theo của Mỹ có phải là tạo ra những vùng an toàn? Những vùng an toàn như thế chắc chắn sẽ liên quan việc có “những vùng cấm bay”, mà chuyện này rất phức tạp bởi hiện có rất nhiều máy bay Nga đang hoạt động tại Syria.

Tuần dương hạm USS Monterey khai hỏa tên lửa Tomahawk trong cuộc không kích Syria.  Ảnh: Reuters
Tuần dương hạm USS Monterey khai hỏa tên lửa Tomahawk trong cuộc không kích Syria. Ảnh: Reuters

Quan hệ Trump - Putin “đảo chiều”

Dư luận còn muốn chờ xem sau phản ứng “gay gắt” xung quanh cáo buộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Syria, Tổng thống Trump sẽ thay đổi quan điểm như thế nào trong cách xử lý vấn đề người tị nạn Syria ở Mỹ?

Ngay lúc này, chính phủ của ông vẫn cấm người tị nạn Syria nhập cảnh Mỹ, bất chấp hầu hết đều là phụ nữ và trẻ em. Nếu chính sách nhập cư của Mỹ với họ không có gì thay đổi, dư luận có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ về động cơ có thực sự chính nghĩa của chính phủ Tổng thống Trump và cuộc không kích đêm 13-4.

Quan sát các diễn biến liên quan Syria những ngày qua, đặc biệt là các phát biểu của Tổng thống Trump, dễ dàng thấy sự “đảo chiều” trong quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Nga. Suốt thời gian dài từ sau khi nhậm chức, ông Trump hầu như không công khai quan điểm chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ngày 13-4, ông Trump dùng những từ ngữ nặng nề để lên án chính phủ của Tổng thống Putin và cả Iran.

Ngày 15-4, Tổng thống Assad gọi hành động phối hợp của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria là hành động gây hấn. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari bày tỏ sự ghê tởm và cho rằng, “Chiến tranh Lạnh đang trở lại”; đồng thời nhấn mạnh nếu biết chính xác những vị trí nào tại Syria đang chế tạo vũ khí hóa học, Mỹ nên thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để tiến hành thanh sát các cơ sở tình nghi, thay vì ném bom, đi ngược lại Hiến chương LHQ và xâm phạm các quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Bất kể Washington loan tin cuộc không kích đã thành công nhưng hiệu quả thực sự của nó vẫn để ngỏ. Chỉ có một điều có thể chắc chắn hơn cả chính là số tiền mà các bên đã “đốt” trên trời trong cuộc tấn công. Theo báo The Guardian, khoảng 50 triệu USD giá trị vũ khí đã được tiêu tốn trong trận này. Với con số “khủng” đó cùng thực trạng khủng hoảng nhân đạo khiến cả thế giới phải rùng mình tại Syria trong 7 năm qua, dù các bên tham chiến đưa ra bất cứ lý do và mục đích chính nghĩa nào của hành động quân sự thì cũng đều trở nên khó thuyết phục.

"Cuộc tấn công bằng tên lửa của liên quân Mỹ, Anh, Pháp vào Syria là hành động gây hấn, vi phạm mọi nguyên tắc quốc tế. Nga đã cảnh báo Mỹ và Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả của cuộc tấn công này”

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Sherin

71là số tên lửa hành trình bị lực lượng phòng không Syria bắn chặn trong số hơn 100 tên lửa do liên quân Mỹ, Anh, Pháp phóng vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, Washington sử dụng gấp đôi số vũ khí trong cuộc không kích lần này so với vụ tấn công 59 quả tên lửa Tomahawk tấn công Syria năm 2017. (Theo AP)

Việt Nam phản đối việc dùng vũ lực đe dọa cuộc sống người dân Syria

Ngày 15-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực”. “Chúng tôi cho rằng, mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của LHQ về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trước đó, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Syria hoặc các khu vực lân cận (có thể bị ảnh hưởng) trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định trở lại để tránh những nguy hiểm, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong trường hợp khẩn cấp, công dân có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) theo số điện thoại trực bảo hộ công dân +98212411670, hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân theo số điện thoại +84981848484 để được trợ giúp kịp thời.

TTXVN

Nghị quyết lên án cuộc tấn công không được thông qua

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tối 14-4 (sáng 15-4, giờ Việt Nam), dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria không được thông qua, bởi Washington, London và Paris đều có quyền phủ quyết. Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ cùng đồng minh chưa từ bỏ giải pháp quân sự chống Syria và chưa rõ động thái tiếp theo là gì, hay sẽ là một hành động mạnh mẽ, như tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikkie Haley: Tổng thống Donald Trump nói rằng, “nếu chế độ Syria quyết định tái sử dụng khí độc thì Mỹ đã có súng nạp đạn và lên cò sẵn sàng”.

VĨNH AN - TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.