.

Thỏa thuận "trong tầm tay"

.

Iran muốn tiếp tục đàm phán với các cường quốc để thống nhất một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của nước này, sau khi thời hạn cuối đã trôi qua nhưng các bất đồng chưa được tháo gỡ. Nga cũng bày tỏ lạc quan về “một thỏa thuận trong tầm tay”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi đều có mặt tại Thụy Sĩ. 		               Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi đều có mặt tại Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Đàm phán kết thúc tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ vào sáng sớm 1-4. Việc hai bên không thống nhất thỏa thuận khung đối với chương trình hạt nhân của Iran đã được dự đoán trước. Chính các bất đồng đã làm đàm phán kéo dài qua thời hạn cuối (tức nửa đêm 31-3). Tuy nhiên, khi các nhà đàm phán hàng đầu của P5+1 gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, cả Nga lẫn Iran đều bày tỏ lạc quan rằng, thỏa thuận đang “trong tầm tay”.  

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, các nhà đàm phán đã tiến đến một thỏa thuận khung trên tất cả phương diện then chốt. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng hy vọng có thể hoàn tất một thỏa thuận khung trong ngày 1-4 (giờ Lausanne).

Ông Hamid Baidinejad, thành viên đoàn đàm phán của Iran, nói rằng nước này sẵn sàng tiếp tục đàm phán “chừng nào cần thiết”, cho đến khi bế tắc được giải quyết. Ông Baidinejad thậm chí khẳng định Tehran sẽ đàm phán mà “không cần nhìn đồng hồ”. “Một thỏa thuận cuối cùng nên bảo đảm quyền hạt nhân của Iran”, ông Baidinejad nói với báo giới.

Song, một quan chức ngoại giao có mặt tại Lausanne bác bỏ việc có “một thỏa thuận trong tầm tay”. Một quan chức Pháp cho biết, Ngoại trưởng nước này, ông Laurent Fabius, đã rời bàn đàm phán vào nửa đêm 31-3. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thừa nhận vẫn có một số vấn đề then chốt cần bàn thảo.

AP xác nhận khi đàm phán kéo dài quá giờ G., 3 trong số 6 Ngoại trưởng của nhóm P5+1 (các Ngoại trưởng Trung Quốc, Pháp và Nga) đã rời bàn nghị sự, để lại trọng trách cho những người cấp phó. Riêng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoãn kế hoạch rời Lausanne để ở lại và tiếp tục những nỗ lực marathon.

Thỏa thuận sơ bộ nếu đạt được là nền tảng hướng đến một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6 tới, theo đó sẽ kết thúc căng thẳng về hạt nhân giữa Iran với phương Tây kéo dài suốt 12 năm qua và giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông. 6 cường quốc của nhóm P5+1 (bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) muốn Iran ngừng phát triển bom hạt nhân để đổi lấy việc tháo dỡ các biện pháp trừng phạt đang tác động đáng kể đến kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Iran hiện chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu thô/ngày so với 2,5 triệu thùng/ngày trước khi có lệnh cấm vận. Nếu cấm vận được dỡ bỏ, sản lượng khai thác dầu của Iran có thể tăng thêm khoảng 500.000 thùng/ngày trong vòng 6 tháng và 700.000 thùng trong vòng một năm.

Vấn đề là Iran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân mang mục đích hòa bình, đồng thời quyết bảo vệ “quyền hạt nhân” của mình. Còn Mỹ đe dọa ngừng đàm phán nếu lần nhóm họp tại Thụy Sĩ không mang lại một thỏa thuận khung như mong đợi. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Washington sẽ không chờ đến ngày 30-6 nếu không có được thỏa thuận chính trị sơ bộ lúc này.

Theo Reuters, đàm phán đã quá chú trọng vào các vấn đề: nghiên cứu máy ly tâm, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và áp đặt lệnh trừng phạt nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận. Mang đến thành phố Lausanne nhiều sự khác biệt, Iran và nhóm P5+1 khó tìm được tiếng nói chung cũng là điều dễ hiểu. Chính Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng, thà không đạt được thỏa thuận, còn hơn có “một thỏa thuận tồi”.

Một thỏa thuận sẽ hình thành nếu các bên có thiện chí bởi “đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong mấy ngày qua”, theo lời của Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. Trung Quốc kêu gọi thỏa hiệp để không lãng phí những nỗ lực. “Các bên phải suy nghĩ sáng tạo và đưa ra giải pháp trọn gói”, tuyên bố của Trung Quốc nêu rõ. Tuy nhiên, khi các bên vẫn giữ sự hoài nghi và không chịu nhượng bộ thì thỏa thuận khó “nằm trong tầm tay”.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.