.

Đàm phán Iran và nhóm P5+1 trước giờ G: Vẫn còn nhiều khác biệt

.

Các cuộc đàm phán nước rút được nối lại tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ vào ngày 30-3 trước thời hạn cuối để đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân giữa Iran với các cường quốc. Song, vẫn còn nhiều khác biệt được cho là khó thu hẹp hoặc xóa bỏ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bìa trái) đến thành phố Lausanne để tham gia đàm phán. 				Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bìa trái) đến thành phố Lausanne để tham gia đàm phán. Ảnh: AP

Vấn đề đặt ra là phải tháo gỡ bế tắc giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran trước thời hạn cuối là ngày 31-3. Các quan chức ngoại giao vẫn quan ngại những nỗ lực có thể không mang lại kết quả như mong muốn.

Giảm hơn 2/3 số lượng máy ly tâm

Reuters cho biết, 6 cường quốc muốn Iran ngừng chương trình hạt nhân nhạy cảm trong 10 năm. Trong khi đó, Iran yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt của quốc tế đang gây tổn hại nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Một số vấn đề được bàn thảo tại cuộc đàm phán, nhưng vẫn còn nhiều khác biệt giữa Iran và P5+1 để có thể đạt một thỏa thuận khung và tiến đến một thỏa thuận sau cùng vào cuối tháng 6 tới.

Theo các quan chức, quá trình đàm phán giữa hai bên có một số tiến triển. Các hãng AFP và Reuters đều cho hay, Iran “gần như” đồng ý giảm hơn 2/3 số lượng máy ly tâm (từ 20.000 xuống còn 6.000) và chuyển hầu hết kho nhiên liệu hạt nhân của nước này ra nước ngoài. Các quan chức còn nói rằng, Tehran thậm chí sẵn sàng chấp nhận số lượng máy ly tâm ít hơn. Các cường quốc đang xem xét cho phép Tehran tiến hành các hoạt động liên quan tới làm giàu uranium có giới hạn, với sự giám sát chặt chẽ để phục vụ mục đích y tế tại cơ sở Fordow dưới lòng đất.

Tuy nhiên, một dấu hiệu mà giới quan sát cho là khó có thể đạt được thỏa thuận, đó là việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngay sau khi đến thành phố Lausanne đã rời bàn đàm phán và trở về Mátxcơva. Bà Maria Zarakhova, người phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, ông có các cuộc gặp gỡ đã được lên kế hoạch trước và sẽ trở lại Lausanne vào ngày 31-3 để tiếp tục chương trình nghị sự.

Ông Abbas Araqchi, nhà đàm phán hàng đầu của Iran, đánh giá thỏa thuận hạt nhân giữa quốc gia này và P5+1 là khả thi và chỉ còn lại 2 hoặc 3 vấn đề cần giải quyết. Giới phân tích cũng cho rằng, đàm phán trở nên thân thiện hơn, các bên xích lại gần nhau hơn so với trước đây (trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài 12 năm về chương trình hạt nhân của Iran). Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa đạt được và không ai có thể nói chắc chắn 100% là sẽ có thỏa thuận trước giờ G.

Israel chỉ trích “trục Iran - Lausanne - Yemen”

Việc Iran làm giàu uranium là quan ngại chính của phương Tây. Tehran luôn khẳng định hoạt động làm giàu uranium chỉ mang mục đích phục vụ cho năng lượng, khoa học, công nghiệp và y học. Song, nhiều nước cho rằng, Tehran có thể dùng công nghệ để chế tạo uranium cấp độ vũ khí.

Là ngoại trưởng cuối cùng trong nhóm P5+1 đến Lausanne để tham gia đàm phán, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bày tỏ với báo giới rằng, ông tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận với Iran nhưng phải bảo đảm việc chế tạo bom nguyên tử “nằm ngoài tầm với của Tehran”. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lo lắng nếu lại xảy ra một cuộc khủng hoảng liên quan đến đàm phán hạt nhân với Iran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên nắm bắt cơ hội và thể hiện sự linh hoạt để thúc đẩy đàm phán thành công.

Riêng phía Israel vẫn chỉ trích gay gắt việc Iran và các cường quốc tiến tới một thỏa thuận hạt nhân sơ bộ. Trong lúc các nhà đàm phán ở Thụy Sĩ đang chạy đua với thời gian, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là “thỏa thuận nguy hiểm”, đồng thời mô tả “trục Iran - Lausanne - Yemen là mối đe dọa với toàn thể nhân loại”.

“Thỏa thuận nguy hiểm đang được thảo luận tại Lausanne cho thấy rõ sự lo lắng của chúng ta là có cơ sở và còn tệ hơn thế”, ông Netanyahu nói. Với Thủ tướng Israel và cả với Đảng Cộng hòa Mỹ, thỏa thuận giữa Iran và P5+1 vẫn chưa đủ để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.