.

Úc điều tra vụ bắt cóc con tin

.

Các nhà chức trách Úc đang điều tra động cơ của Man Haron Monis, kẻ bắt cóc con tin và cả hoạt động của cảnh sát. Thủ tướng Tony Abbott đặt câu hỏi rằng, vì sao một kẻ không bình thường như Monis lại không có trong danh sách giám sát khủng bố ở đất nước này.

Thủ tướng Tony Abbott cùng vợ, bà Margie, đặt hoa tưởng niệm 2 nạn nhân.  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Tony Abbott cùng vợ, bà Margie, đặt hoa tưởng niệm 2 nạn nhân. Ảnh: Reuters

Việc giải cứu 17 con tin bị bắt cóc ở quàn cà-phê Lindt, trung tâm thành phố Sydney (Úc), đã kết thúc vào sáng sớm 16-12 (đêm 15-12, giờ Việt Nam) sau 16 tiếng đồng hồ nghẹt thở.

3 người chết, gồm người quản lý quán cà-phê Lindt Tori Johnson (34 tuổi), nữ luật sư Katrina Dawson (38 tuổi) ở Sydney và kẻ bắt cóc con tin; ngoài ra có 4 người khác bị thương, trong đó có một cảnh sát.

Ngày 16-12, không khí đau buồn, yên lặng bao phủ con phố Martin Place. Người dân Sydney vẫn bàng hoàng về những gì đã xảy ra tại một đất nước vốn được cho là “xã hội hòa bình, cởi mở”, đồng thời bày tỏ thương tiếc 2 nạn nhân. Tuy nhiên, vụ việc chưa khép lại bởi có rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nhiều câu hỏi liên quan đến Man Haron Monis (50 tuổi), một người Iran đến Úc tị nạn vào năm 1996.

Không liên quan đến các tổ chức khủng bố

Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, động cơ của kẻ bắt cóc đang được điều tra và chính phủ của ông sẽ xem xét nguyên nhân vì sao Monis - một người “có lịch sử bạo lực, mê đắm chủ nghĩa cực đoan và tâm thần bất ổn”, từng bị truy tố với các cáo buộc hình sự - lại được tại ngoại; và vì sao kẻ này lại sở hữu súng tại một đất nước cấm mua bán súng. Song, theo nhà lãnh đạo Úc, vụ bắt cóc vẫn có thể xảy ra, ngay cả khi Monis có tên trong danh sách giám sát khủng bố.

Reuters cho biết, Monis tự nhận mình là giáo sĩ. Điều đáng nói là cái tên Monis không xa lạ gì với cảnh sát Úc do y từng bị truy tố sát hại vợ cũ rồi thiêu xác cô này trên các bậc thang đi bộ tại một tòa chung cư ở phía Tây Sydney vào tháng 11 năm ngoái.

Sau đó, Monis được phóng thích vì không đủ chứng cứ. Năm 2012, Monis gửi thư đe dọa các gia đình 8 binh sĩ tử trận ở Afghanistan từ năm 2007-2009 nhằm phản đối sự liên quan của Úc đối với cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Nam Á này. Không những thế, Monis còn đối mặt với hơn 40 cáo buộc tấn công tình dục.

Tuy nhiên, các nhà chức trách nói rằng, không có bằng chứng cho thấy hành động của Monis lần này liên quan đến các phong trào Hồi giáo quốc tế cũng như các tổ chức khủng bố. Các nhà chức trách Úc cũng xác nhận thông tin này với chính phủ Mỹ. Úc là đồng minh tin cậy của Mỹ; cả hai nước đang thúc đẩy hành động chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Úc cũng đang báo động cao do lo ngại các cuộc tấn công của các chiến binh nước này trở về từ Trung Đông.

Cảnh sát cũng khẳng định: Thật khó ngăn cản các cuộc tấn công khi thủ phạm hành động một mình. Song, Thủ tướng Abbott vẫn gọi chiến dịch giải cứu con tin là “cuộc truy quét khủng bố”.

Ngày buồn của Úc

Cũng trong ngày 16-12, quốc kỳ Úc tại các tòa nhà chính phủ ở bang New South Wales được treo rủ. Thủ tướng Abbott và vợ, bà Margie Abbott, quỳ xuống đặt hoa tưởng niệm trước quán cà-phê Lindt, sau đó viết lời chia buồn. “Đây là một ngày buồn. Cả nước Úc đang sát cánh với các nạn nhân và gia đình những người đã mất”, ông Abbott viết. Trong khi đó, bà Margie chia sẻ: “Nghĩ về bạn và những người thân của bạn”.

Hàng nghìn người cũng xuống phố Martin Place đặt hoa tưởng niệm 2 nạn nhân trong nước mắt. “Hãy an nghỉ”, “Tình yêu và sự an bình…” là những thông điệp mà họ để lại trong cuốn sổ chia buồn.

Thủ hiến bang New South Wales Mike Baird gọi hành động này là sự ủng hộ đầy xúc động của người dân Sydney dành cho các nạn nhân, bao gồm cả những người đã chết lẫn những người sống sót. “Những gì mà chúng ta cần làm là sát cánh bên nhau như chưa từng xảy ra chuyện gì. Đó là một thảm kịch khủng khiếp”, Thủ hiến Mike Baird nói.

Theo AFP, vụ bắt cóc từng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra tấn công liên quan đến IS, nhưng lại làm gia tăng tình đoàn kết của người dân Úc và cộng đồng Hồi giáo tại quốc gia này. Những người Hồi giáo ở Úc kêu gọi người dân xứ sở chuột túi hiểu đây không phải là hành động của cộng đồng người Hồi giáo mà là của “một kẻ có vấn đề về tâm thần”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.