.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp Biển Đông

.

Trung Quốc vào ngày 15-7 đã lên tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và cảnh báo Washington nên để cho các nước trong khu vực tự giải quyết mâu thuẫn.

Tàu cá Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa
Tàu cá Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa

Reuters dẫn thông cáo từ bộ ngoại giao Trung Quốc lặp lại rằng nước này có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Trường Sa và Bắc Kinh tiếp tục yêu cầu các nước đang “xâm chiếm bất hợp pháp” quần đảo của Trung Quốc rút ngay người và thiết bị.

“Đáng tiếc là một số nước trong những năm gần đây đã tăng cường sự hiện diện phi pháp của họ thông qua các công trình xây dựng và tăng cường các khí tài”, bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong một thông cáo.

Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo và luôn duy trì việc giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán trực tiếp với các nước có liên quan “trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế”, theo thông cáo từ bộ ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc “hi vọng các quốc gia nằm ngoài khu vực nghiêm túc giữ gìn tính trung lập của mình, phân biệt rõ ràng phải trái và thành thật tôn trọng các nỗ lực chung của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định khu vực”, thông cáo nói và muốn ám chỉ đến Mỹ, theo Reuters.

Trung Quốc đưa phát biểu trên sau khi cuối tuần rồi, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Michael Fuchs đề xuất Bắc Kinh và các nước có tranh chấp lãnh thổ nên tự nguyện ngưng những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Tại hội thảo về Biển Đông tổ chức ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đặt tại Washington vào ngày 11-7 (giờ địa phương), ông Fuchs cho rằng việc quyết định yếu tố nào sẽ bị "đóng băng" hoàn toàn tùy thuộc vào các nước có tranh chấp.

Tuy nhiên, theo Mỹ gợi ý, động thái này có thể bao gồm không thiết lập cơ sở mới, không chiếm vùng lãnh thổ mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ trước thời điểm ban hành Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) vào năm 2002.

Các bên cũng có thể làm rõ đâu là hành động khiêu khích và đâu là nỗ lực duy trì sự hiện diện từ lâu trước năm 2002, theo nhà ngoại giao Mỹ.

Trong một diễn biến có liên quan, vào ngày 15-7, Tân Hoa Xã đưa tin cho biết nhà chức trách Trung Quốc đã thả 13 ngư dân Việt Nam về nước cùng một trong 2 tàu đánh cá mà nước này đã tịch thu mới đây.

TNO

;
.
.
.
.
.