.

Mỹ và châu Âu "mạnh tay" với Nga

.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga sẽ được công bố trong tuần này và nhằm vào các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Mátxcơva.

Người dân Malaysia tổ chức tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay MH17.      Ảnh: AP
Người dân Malaysia tổ chức tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay MH17. Ảnh: AP

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc bàn thảo giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp, Ý; đồng thời được xem là sự “mạnh tay” của Washington và EU; minh chứng sự đoàn kết của liên minh gồm 28 thành viên xung quanh cuộc xung đột ở phía đông Ukraine. Đến nay, Mỹ vẫn cáo buộc Nga cung cấp vũ khí hạng nặng cho lực lượng ly khai ở các thành phố đông Ukraine và Mátxcơva đứng sau vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia.

AP cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu có thể nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga. EU cũng đang cân nhắc các hình thức trừng phạt những cá nhân thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Tony Blinken, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, khẳng định việc gia tăng trừng phạt Nga. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cũng xác nhận EU đang sớm thúc đẩy các biện pháp cấm vận, mặc dù liên minh này có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga hơn cả với Mỹ. Anh thừa nhận các biện pháp trừng phạt tất nhiên sẽ gây “đau đớn” cho London, nhưng cần nhìn vấn đề trong bối cảnh 298 người trên máy bay MH17 đã thiệt mạng ở miền đông Ukraine, hầu hết là công dân EU.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: Các nhà lãnh đạo phương Tây “lấy làm tiếc khi Nga không tạo áp lực hiệu quả đối với lực lượng ly khai để đưa họ ngồi vào bàn đàm phán và cũng không có các giải pháp cụ thể để kiểm soát biên giới Nga - Ukraine”. Ngày 29-7, các đại sứ EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo về “hình thức cấm vận cứng rắn” đối với ngành tài chính, công nghệ khai thác năng lượng và việc bán vũ khí của Nga. Lần đầu tiên toàn bộ các ngành này, chứ không phải là từng cá nhân hay doanh nghiệp, chịu sự trừng phạt của phương Tây. Biện pháp trừng phạt trong ngành năng lượng tập trung vào việc bán thiết bị khoan nước sâu và khí đốt đá phiến sét. Riêng với việc xuất khẩu khí đốt của Nga, EU sẽ cân nhắc các hình thức cấm vận bởi khối này phụ thuộc rất lớn từ nguồn cung từ Mátxcơva.

Xung quanh việc Nhật Bản công bố gói trừng phạt mới chống lại Nga do chỉ trích Mátxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại  giao Nga ngày 29-7 cho rằng, động thái của Tokyo không thân thiện và sẽ làm tổn hại mối quan hệ song phương. Tuyên bố nêu rõ: Nga chính là nước đầu tiên kêu gọi quốc tế tổ chức điều tra công khai và minh bạch, với sự bảo trợ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đồng thời đã làm tất cả những gì có thể.

Mỹ “tố” Nga vi phạm hiệp ước hạt nhân

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, với việc thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, Nga đã vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987, đồng thời yêu cầu đàm phán song phương ngay lập tức.

INF được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbatchev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ở Washington DC vào tháng 12-1987 nhằm loại bỏ các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500km. Hãng AP dẫn tuyên bố của một quan chức chính phủ Mỹ gọi đây là “vấn đề rất nghiêm trọng” và Washington thúc giục Nga “trở lại với nghĩa vụ của mình theo hiệp ước”. Vị quan chức này không cho biết Nga đã vi phạm hiệp ước như thế nào. Song, tháng 1 vừa qua, báo New York Times đưa tin: Mỹ thông báo với các đối tác NATO rằng, Nga đã tiến hành thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.