.

"Hiệp hai" của cuộc khủng hoảng ở Ukraine

.

Diễn biến trên chính trường Ukraine càng lúc càng trở nên phức tạp và là bài toán hóc búa cho cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Đó không chỉ là chuyện riêng của Ukraine mà là cuộc đối đầu Đông - Tây căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Đoàn xe quân sự cắm cờ Nga tiến vào thị trấn Kramatorsk ngày 16-4.                                Ảnh: AP
Đoàn xe quân sự cắm cờ Nga tiến vào thị trấn Kramatorsk ngày 16-4. Ảnh: AP

Vấn đề được xem cốt lõi hiện nay tại Ukraine là làn sóng chống chính quyền lâm thời và đòi ly khai ở các tỉnh phía đông nước này - khu vực có đông cộng đồng người Nga sinh sống. Mátxcơva nhiều lần lên tiếng không đưa quân can thiệp, nhưng đòi hỏi Kiev phải tôn trọng quyền được bày tỏ chính kiến của người dân, lắng nghe nguyện vọng của họ và sớm đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị, sửa đổi Hiến pháp, hướng tới một nhà nước liên bang, trung lập.

Trong khi đó, Ukraine cùng với Mỹ và các đồng minh vẫn coi Nga là nhân tố kích động, thậm chí cáo buộc Mátxcơva là chủ mưu cho phong trào ly khai tại khu vực phía đông.

Xe tăng và xe thiết giáp, lính dù, trực thăng… đã được điều động đến một số “điểm nóng” ở miền đông. Đụng độ cũng đã xảy ra giữa quân đội Ukraine và người biểu tình. Trước Quốc hội, Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov khẳng định, quân đội của ông đã giành lại quyền kiểm soát một sân bay nhỏ gần thành phố Kramatorsk ở miền đông, vốn bị người biểu tình chiếm giữ. Trong khi đó, phe biểu tình cũng dựng thêm chướng ngại vật và đặt súng máy dọc theo một tuyến đường dẫn vào thành phố.

Trước tình hình bạo lực leo thang tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại về hành động quân sự của chính quyền Kiev tại khu vực miền đông. Nga cho rằng, đưa ra hành động quân sự đối phó với chính người dân của mình là một tội ác. Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev nói: “Ukraine đang đứng trên bờ vực nội chiến. Tôi hy vọng những người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định tại thời điểm này bao gồm chính quyền bất hợp pháp hiện nay tại Kiev cần phải có các biện pháp giúp đất nước thoát khỏi bất ổn”. Nga cũng lên tiếng thúc giục các đối tác quốc tế lên án hành động vi hiến của chính quyền Ukraine, đồng thời cảnh báo những hành động như vậy chỉ dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại phía đông. Ông Ban Ki-moon cho rằng, người dân Ukraine có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không bị đe dọa vũ lực và kêu gọi các bên tham gia vào cuộc đối thoại chính trị. Tổng Thư ký LHQ cũng từ chối đề nghị của chính phủ tạm quyền tại Ukraine về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, vì cho rằng thời điểm hiện nay không thích hợp và động thái này cần nhận được sự chấp thuận của các thành viên Hội đồng Bảo an.

Trong khi đó, một sự kiện được mong đợi - hội nghị 4 bên lần đầu tiên sẽ diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) vào hôm nay (17-4), với sự tham dự của Nga, Mỹ, EU và Ukraine, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Song trước đó, Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ không tham dự khi Kiev đưa quân đội tấn công người dân nước mình.

Giới quan sát cho rằng, kịch bản “hiệp hai” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine chính là vấn đề nội bộ của nước này. Nếu xảy ra nội chiến thì trách nhiệm đó là của chính quyền lâm thời hiện nay và Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu chứ không phải của Nga.

Ngày 16-4, đoàn xe bọc thép cắm cờ Nga tiến vào thành phố Slovyansk, hiện do những người biểu tình thân Nga kiểm soát. Lực lượng nổi dậy ở Slovyansk đã chiếm giữ các trụ sở cảnh sát địa phương và tòa nhà hành chính, yêu cầu mở rộng quyền tự chủ đối với khu vực phía đông Ukraine và có quan hệ xích lại gần Nga.

Tại Donetsk, khoảng 20 người biểu tình ly khai tiến vào văn phòng thị trưởng thành phố nhưng không vấp phải kháng cự của nhân viên an ninh. Những người biểu tình kêu gọi để khu vực này tổ chức trưng cầu dân ý nhằm đưa Ukraine trở thành một nhà nước liên bang với các quyền khu vực lớn hơn.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Mykhailo Koval phải đến khu vực phía đông để chỉ huy “hoạt động chống khủng bố tổng lực” - chiến dịch do Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov phát động. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các chiến binh thân Nga đã bắt giữ 2 binh sĩ của Kiev ở Lugansk.

Cùng ngày, trong cuộc họp nội các tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk thúc giục Nga rút quân khỏi phía đông để “tránh các hành động khiêu khích” mặc dù Mátxcơva đã khẳng định không hề can thiệp vào khu vực đang đòi ly khai này. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nước ông sẽ nỗ lực để làm trung gian trong vấn đề Ukraine và sẽ thuyết phục chính phủ Kiev lắng nghe ý nguyện của người dân Ukraine đang sống ở phía đông và phía nam.

PHÚC NGUYÊN

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.