Thêm nhiều "tai mắt" ở chợ

.

Xét cho cùng, chợ càng nhiều “tai mắt” bao nhiêu càng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng dễ cán đích văn hóa, văn minh thương mại bấy nhiêu.

Hệ thống camera (ảnh nhỏ) đã góp phần làm cho việc kinh doanh ở chợ Túy Loan trở nên văn minh, hiện đại hơn. Trong ảnh là một góc khu hàng ẩm thực tại chợ.
Hệ thống camera (ảnh nhỏ) đã góp phần làm cho việc kinh doanh ở chợ Túy Loan trở nên văn minh, hiện đại hơn. Trong ảnh là một góc khu hàng ẩm thực tại chợ.

Một chị đi chợ Túy Loan, đang xem hàng ở quầy bà A thì nghe có người chào mình bằng câu hỏi theo kiểu Quảng “Đi chợ đó hả?”. Chị nhìn lên, đó là bà bạn B, chủ quầy hàng ngay bên cạnh. Chỉ vậy mà “chiến tranh” đã bùng nổ. Bà A mắng bà B té tát. Rằng định cướp khách của tau hả. Rằng mới sáng mà đã bị trù ẻo...

Kể lại chuyện, ông Tán Văn Quang, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), bình luận: “Người dân quê chân chất, gặp nhau chào hỏi tình cảm chứ có ý giành giật chi mô. Rứa mà cũng gây sự cho được”.

Đó là một trong những chuyện đáng buồn bởi một số người buôn bán thiếu ý thức. Nay thì mọi sự đã khác, khi tiểu thương ở chợ được dự các lớp tập huấn về văn minh thương mại (VMTM). Thêm vào đó, khắp trong chợ ngoài chợ giờ có nhiều “tai mắt”, tiểu thương dù bản tính có hung hăng đến cỡ nào cũng phải “bấm bụng” mà làm mặt... hiền.

Cuối năm 2017, sau khi đạt chuẩn “Chợ an toàn thực phẩm” (ATTP), chợ Túy Loan được UBND huyện cho lắp đặt 5 camera quanh chợ; đến đầu năm 2018 lắp thêm 32 camera trong chợ, kinh phí một phần do tiểu thương đóng góp. Sắp tới, theo ông Quang, sẽ lắp thêm 6 camera tại 3 nhà giữ xe và 30 camera nữa tại các nhà lồng phụ. Nhờ nhiều “tai mắt” nên các vụ trộm cắp vặt đã giảm hẳn.

Xây dựng “Chợ VMTM”, ông Nguyễn Đăng Dự, Trưởng ban Quản lý các chợ huyện Hòa Vang, cho biết chợ Túy Loan đã vận động xã hội hóa 700 triệu đồng lắp gần 1.000m2 mái che để “xóa sổ” các loại dù bạt nhếch nhác. Kệ, bàn bán hàng của tiểu thương đều đạt chuẩn theo Quyết định 35/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông-lâm-thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại Đà Nẵng. Giao tiếp giữa người bán với người bán, người bán với người mua giờ đã ngày một văn hóa, văn minh hơn...

Sau chợ Túy Loan, các chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước) và Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) tiếp tục xây dựng “Chợ an toàn thực phẩm”.

Ông Nguyễn Tri Tổng, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Miếu Bông cho biết: tháng 4 vừa qua, đơn vị phát hiện và tịch thu 16 chai (loại 1 lít) nước mắm Nam Ngư không rõ xuất xứ, giao Công an xã Hòa Phước xử lý; lập biên bản đề nghị tiêu hủy 2,6kg thịt heo không rõ xuất xứ và 8kg sứa nhuộm màu của 2 hộ kinh doanh tại chợ.

Khu hàng ẩm thực gồm 32 hộ kinh doanh trước đây nằm chung với khu bán rau củ quả, đang được đầu tư 350 triệu đồng xây dựng một khu riêng diện tích 160m2. Khu hàng ướt (cá, thịt các loại) đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng theo ông Tổng, do bố trí chen lẫn với hàng khô nên không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đơn vị đang tiến hành sắp xếp lại để tránh lây nhiễm chéo. Chợ Miếu Bông đã hoàn thành hạng mục nạo vét cống rãnh, nhà chứa rác đang trong giai đoạn nghiệm thu hoàn thành. Cuối năm nay, khi hoàn thành hạng mục cuối cùng là khu hàng ẩm thực, chợ lớn nhất phía đông nam Hòa Vang này sẽ sẵn sàng cho việc nghiệm thu, công nhận đạt chuẩn “Chợ an toàn thực phẩm”.

Với chợ Lệ Trạch, đã xây dựng xong chợ mới được 3 năm nay nhưng vẫn ì ạch mãi việc xây dựng khu hàng ướt. Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Lệ Trạch Đặng Quang Vinh giải thích, do các hộ dân nằm trong diện tích mở rộng chợ chưa giao đất nên gần 80 hộ kinh doanh hàng ướt vẫn phải buôn bán ở khu chợ tạm nhếch nhác.

Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cho biết, để giải quyết vướng mắc này, ngày 10-9 vừa qua, khu đất tái định cư rộng 1.226m2 đã được bàn giao mặt bằng cho 6 hộ (gồm 7 hồ sơ) có đất thu hồi này. Khi đơn vị thi công hoàn thành cơ sở hạ tầng, các hộ sẽ chuyển nhà, giao đất. Lúc đó, mới có thể nói đến việc xây dựng “Chợ an toàn thực phẩm” và xa hơn là “Chợ VMTM”.

Thời buổi hội nhập, chợ truyền thống cũng phải dần khoác lên chiếc áo văn minh, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết, các chợ ở Hòa Vang đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo lại các quầy, sạp kinh doanh hàng thực phẩm đúng tiêu chuẩn, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ đó, môi trường kinh doanh an toàn, cả quyền lợi lẫn sức khỏe của người tiêu dùng được đảm bảo, chất lượng hàng hóa ngày càng được chú trọng và tạo được thói quen, ý thức trong kinh doanh, tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa là thực phẩm, góp phần trong xây dựng văn hóa, văn minh thương mại.

Chợ Miếu Bông đang tiến hành vận động tiểu thương lắp đặt hệ thống camera, tiếp sau đó là chợ Lệ Trạch. Xét cho cùng, chợ càng nhiều “tai mắt” bao nhiêu càng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng dễ cán đích văn hóa, văn minh thương mại bấy nhiêu.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.