Không bàn việc di dời sân bay

.

LTS: Trong hội thảo khoa học: “Định hướng quy hoạch phát triển các khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 8-9, một số báo điện tử và các trang mạng đã đăng tải các bài viết không chính xác về việc di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Cảng hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cơ sở hạ tầng đóng góp tích cực và hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng.  (Ảnh: Thành Lân)
Cảng hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cơ sở hạ tầng đóng góp tích cực và hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Thành Lân)

Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng để làm rõ thêm vấn đề này.

* Thưa ông, hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển các khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng” đã thảo luận những vấn đề gì?

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng.
KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng.

- Hội thảo có trên 120 đại biểu tham dự với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng. Theo đó, nội dung trọng tâm của hội thảo là: 1) kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; 2) kiểm soát phát triển dân số theo quy hoạch; 3) kiểm soát việc sử dụng đất xây dựng đô thị; 4) kiểm soát về không gian kiến trúc, cảnh quan; 5) kiểm soát phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Từ đó, định hướng đến phân vùng phát triển không gian. Hội thảo cũng đề cập nhu cầu tiếp cận các mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị xanh, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay…

Qua hội thảo, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và thành phố Đà Nẵng kết luận: Đà Nẵng cần đặt trọng tâm vai trò kiểm soát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không bảo đảm điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng; đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo.

Yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh cấu trúc, điều chỉnh các chỉ tiêu đô thị cơ bản liên quan đến quy mô dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm đáp ứng nhu cầu của cư dân thành phố cũng như lượng dân số không chính thức đang ngày càng gia tăng mà chủ yếu là khách du lịch.

Phát triển đô thị Đà Nẵng có bản sắc với đặc trưng của đô thị biển - sông núi. Vì vậy, thành phố cần phát triển đồng bộ đô thị xanh trong tương lai gắn liền với cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi với bản sắc văn minh hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21.

Điều quan trọng nhất là cần quan tâm bảo vệ rừng đặc dụng Sơn Trà, bởi nơi đây là lá phổi xanh của thành phố. Nếu phát triển kinh tế tại đây cần phải cân nhắc, thận trọng.

Vấn đề thứ hai, biển và vịnh Đà Nẵng được đánh giá là đẹp nhất với địa hình và địa thế và là mặt tiền hướng ra Biển Đông. Vì vậy, thành phố không chấp nhận những đề xuất lấp biển để xây dựng khu đô thị hay bất cứ hình thức nào.

* Vì sao tại hội thảo có ý kiến đề cập đến việc di dời Sân bay quốc tế Đà Nẵng?

Tại hội thảo, một vài ý kiến đề cập có nên di dời sân bay để lấy quỹ đất xây dựng khu đô thị đa trung tâm mang tầm vóc quốc tế không nằm trong chủ đề trọng tâm của hội thảo. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng thuận của hội thảo.

Vì nếu Đà Nẵng không có sân bay thì vai trò Đà nẵng sẽ không còn là động lực phát triển, không còn là thành phố hiện đại, tiện ích. Về vấn đề này, hội thảo không bàn đến câu chuyện di dời sân bay. Vấn đề hiện nay và lâu dài đối với Đà Nẵng là cần phải có sân bay.

Vì đây là sự hấp dẫn của thành phố “hạt nhân”, “động lực” trong tương lai, là điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch. Nếu có ý tưởng di dời, thì đứng ở tầm nhìn chiến lược, đó không phải là một đề xuất tốt.

Qua các ý kiến “di dời sân bay Đà Nẵng” được đề cập bởi ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam), TS.KTS Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) và KTS Hoàng Sừ (nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Nam), hội thảo đã có sự phân tích, phản biện ở nhiều góc độ về cơ sở pháp lý lẫn chuyên ngành và thực tế khách quan đối với đô thị Đà Nẵng cũng như phản bác các ý tưởng này.

Đơn cử, kỹ sư Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng đề nghị không thảo luận, không bàn việc di dời sân bay Đà Nẵng.

* Vậy theo ông, sân bay Đà Nẵng có vai trò như thế nào trong phát triển của thành phố?

- Tôi khẳng định lợi thế của đô thị Đà Nẵng là có sân bay. Trong tương lai, thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên sân bay Đà Nẵng cần được nâng cấp, mở rộng với quy mô công suất lên đến 30 triệu khách/năm.

Hội thảo vừa qua, các chuyên gia đều khẳng định tầm nhìn trong quy hoạch phát triển đô thị vẫn là lấy sân bay Đà Nẵng làm một trong những cơ sở hạ tầng chính, làm động lực cho sự phát triển thành phố.

Hội thảo cũng tiếp thu và đánh giá cao ý tưởng phát triển sân bay Đà Nẵng gắn kết mô hình “đô thị sân bay”.

Sân bay Đà Nẵng hội tụ các điều kiện thuận lợi cho mô hình đô thị này. Qua đây, sân bay Đà Nẵng không chỉ là đầu mối giao thông với chức năng của điểm đi hay điểm đến mà là trung tâm đô thị qua khai thác giá trị quỹ đất vùng ven hình thành các trung tâm thương mại, logistics.

Một số KTS quốc tế cũng đặt vấn đề hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu phát triển mô hình đô thị sân bay cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, với đặc thù của cơ sở hạ tầng quốc gia trong nhiệm vụ quản lý sử dụng đất; hiển nhiên mọi sự nghiên cứu, đầu tư cho phát triển của sân bay Đà Nẵng phải có sự chấp thuận của Chính phủ và các cấp cao hơn.

Xin nhấn mạnh là trong hội thảo vừa qua đã kết luận rằng: thành phố Đà Nẵng phải có sân bay.

Đà Nẵng hiện chỉ có 30% quỹ đất cho phát triển đô thị mà sân bay Đà Nẵng đang có một quỹ đất lớn giữa thành phố, chia cắt và hạn chế cho đô thị Đà Nẵng phát triển mạch lạc về phía tây. Thách thức này cần chuyển hóa thành cơ hội phát triển thông qua khai thác lợi thế cửa ngõ của thành phố ra cả nước và thế giới.

* Xin cám ơn ông.

CẨM KIM (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.