Phát triển du lịch sinh thái: Thế mạnh của Hòa Vang

.

Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang có rất nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên.

Bên cạnh những điểm du lịch đã được nhiều công ty du lịch đầu tư khai thác và phát triển có hiệu quả như: Bà Nà Hills, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, tắm khoáng nóng Phước Nhơn, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, vẫn còn những tiềm năng khác đang được “đánh thức” như: du lịch sinh thái-văn hóa cộng đồng người Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong). Tuy nhiên, việc “đánh thức” những tiềm năng này vẫn đối mặt với không ít khó khăn.

Vẻ đẹp tự nhiên của suối Vũng Bột (nằm ở trung tâm của khu vực Tà Lang - Giàn Bí) là điểm dừng chân được du khách yêu thích.
Vẻ đẹp tự nhiên của suối Vũng Bột (nằm ở trung tâm của khu vực Tà Lang - Giàn Bí) là điểm dừng chân được du khách yêu thích.

Sau nhiều lần dẫn bạn bè đi tham quan hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, cũng như làm người dẫn đầu cho các đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu về sinh thái và văn hóa của người Cơ tu, anh Bùi Hoài Vũ (sinh năm 1990, dân tộc Cơ tu) nghĩ đến việc thiết kế tour du lịch ở khu vực Tà Lang-Giàn Bí để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có của quê hương.

Qua đó, anh có thể giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của quê hương đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tính đến nay, Hoài Vũ có gần 4 năm “bén duyên” với cái nghề hướng dẫn viên du lịch này. Những ngày đầu làm tour, khách của Vũ chủ yếu là bạn bè hoặc được bạn bè giới thiệu. Đến năm 2017, anh bắt đầu kết hợp với các công ty lữ hành giới thiệu rộng rãi tour du lịch này.

Anh Vũ cho hay: “Khách Việt vẫn chiếm ưu thế hơn khách nước ngoài, đặc biệt là người Đà Nẵng. Khách đến đây rất tò mò về văn hóa của người Cơ tu như: ma chay, cưới hỏi, các lễ hội truyền thống,... nên bên cạnh việc tham quan thì tôi cũng sẽ thuyết minh thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử cùng những ý nghĩa gắn với cuộc sống thường nhật của người Cơ tu ở mỗi điểm đến”.

Hiện giá tour trung bình 700.000 đồng/người, bao gồm từ tham quan đến ăn uống, nghỉ ngơi; tuy nhiên, giá còn phụ thuộc vào số lượng khách, độ dài tour, nhu cầu của khách. Có khách chỉ đi tour trong ngày, có khách lại đi 2 ngày 1 đêm nên anh Vũ đã thiết kế khá nhiều tour để khách có thể thoải mái lựa chọn.

Vừa qua, Hoài Vũ cùng một số thanh niên người Cơ tu khác đã được UBND huyện Hòa Vang tập huấn về kỹ năng hướng dẫn du lịch nhằm phục vụ cho đề án “Xây dụng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại khu vực Tà Lang-Giàn Bí đến năm 2020”.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: “Hai thôn đồng bào dân tộc Cơ tu ở xã Hòa Bắc có vị trí địa lý đặc thù và tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Gần đây, vẻ đẹp và sự lạ lẫm về văn hóa của người Cơ tu tại hai thôn được khách du lịch nhiều nơi biết và tìm đến.

Tuy vậy, nơi đây chưa có dịch vụ lưu trú, hướng dẫn hay bán hàng lưu niệm cho khách. Vì vậy, đề án du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang đề ra mục tiêu xã hội hóa phát triển du lịch, đưa bản làng nơi đây trở thành làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số, khai thác và quản lý tốt các điều kiện tự nhiên, xã hội”.

Trong khi đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất rau an toàn ở thôn Túy Loan cũng là một trong những điểm du lịch sinh thái mới nổi ở huyện Hòa Vang. Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2016, HTX kết hợp phát triển du lịch với những tour tham quan và dạy trồng rau cho học sinh các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, HTX sẽ trồng thêm những giống cây ăn trái của địa phương như: vú sữa, mít, xoài, ổi,... nhằm giúp học sinh, đặc biệt là các em ở trung tâm thành phố nhận biết được các loại cây trồng thân thuộc”.

Trung bình mỗi năm, HTX đón tiếp 6.000 lượt học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, HTX liên kết với một số công ty du lịch như Mai Linh, Sasgotravel, Tiến Ngô Đồng hình thành tour.

“Trong thời gian tới, khi tuyến du lịch đường sông từ đình Túy Loan đến nhà cổ Tích Thiện Đường đi vào hoạt động thì HTX sẽ là một trong những điểm dừng chân của du khách”, ông Dũng cho hay. Tiềm năng du lịch của HTX rau an toàn Túy Loan có thể sẽ không chỉ dừng ở đó, nếu có một nhà đầu tư có tầm nhìn để phát triển dịch vụ trải nghiệm thêm phong phú, hấp dẫn hơn.

Những năm gần đây, huyện Hòa Vang có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư, các công ty lữ hành đầu tư hoặc liên kết khai thác các lợi thế sinh thái tự nhiên, văn hóa cộng đồng hiện còn ở các địa phương trong huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung phát triển hạ tầng phụ trợ như: giao thông, điện chiếu sáng đến các điểm du lịch tiềm năng. Yếu tố văn hóa truyền thống cũng được huyện quan tâm đầu tư phục dựng, bảo tồn nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ du lịch.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.