Góp phần chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch

.

Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ban hành văn bản đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Trong các chương trình tour, hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công chương trình. Trong ảnh: Hướng dẫn viên (bìa trái) đang hướng dẫn khách tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Trong các chương trình tour, hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công chương trình. Trong ảnh: Hướng dẫn viên (bìa trái) đang hướng dẫn khách tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng (ảnh) cho biết, việc quy định các điều kiện theo quy định mới đối với hoạt động hướng dẫn du lịch sẽ góp phần vào công tác quản lý, chấn chỉnh, cũng như nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ HDV du lịch, ngăn ngừa và hạn chế các vấn đề tiêu cực.

* Thưa ông, các quy định cũng như việc quản lý HDV hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng được thực hiện như thế nào?

- Tính đến hết tháng 11-2017, Sở Du lịch đã cấp 3.255 thẻ HDV cho các ngôn ngữ; gồm 1.197 HDV nội địa và 2.058 HDV quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2.700 - 2.900 HDV hoạt động thường xuyên, còn lại làm các công việc khác. Trong số HDV được cấp thẻ, có một số tham gia hoạt động hướng dẫn ở các địa phương khác; đồng thời, Đà Nẵng cũng tiếp nhận nhiều HDV từ các địa phương khác đến hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn.   

Theo quy định của Luật Du lịch 2005 và các văn bản dưới luật liên quan như Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL, Nghị định xử phạt 158/2013/NĐ-CP, HDV được cấp thẻ được hoạt động hướng dẫn trên toàn quốc và không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói các HDV hầu hết hoạt động tự do, đi hướng dẫn chỉ bằng hợp đồng (hợp đồng theo từng chương trình tour).

Bên cạnh việc thực hiện xem xét cấp thẻ theo quy định, Sở Du lịch phối hợp với Chi hội HDV và cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định cho các HDV đổi thẻ khi hết hạn. Tuy nhiên, công tác theo dõi, quản lý tình hình hoạt động và hỗ trợ HDV hết sức lỏng lẻo do sau khi cấp thẻ trong vòng 3 năm, HDV hoạt động ở đâu thì hầu như không nắm được (đối với bên ngoài địa bàn thành phố). Các doanh nghiệp chỉ quản lý HDV theo từng chương trình tour mà đơn vị ký hợp đồng. Chi hội HDV cũng chỉ nắm thông tin rất ít đối với các HDV có tham gia chi hội.

* Mới đây, trong văn bản của Tổng cục Du lịch Việt Nam ban hành có một số thay đổi mới về việc triển khai, quản lý HDV theo quy định của Luật Du lịch 2017. Những quy định mới đó là gì, thưa ông?

- Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Trong đó có các thay đổi chính về HDV cụ thể như: về phân loại HDV, Luật Du lịch 2017 quy định có 3 đối tượng tham gia hướng dẫn du lịch, đó là HDV nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc); HDV quốc tế (phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài) và HDV du lịch tại điểm (phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch). Trước đây, Luật Du lịch 2005 chỉ quy định có 2 loại HDV là quốc tế và nội địa, riêng HDV tại điểm được quy định là thuyết minh viên.

Về điều kiện hành nghề của HDV, theo quy định của Luật Du lịch 2017, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện gồm: có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.

Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có sự phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch (theo Luật Du lịch 2005, HDV được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành).

Bên cạnh đó, khi đi hướng dẫn cho một đoàn cụ thể, HDV cần có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hoặc văn bản phân công nhiệm vụ hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, khu du lịch.

Ngoài các điều kiện cơ bản để được cấp thẻ HDV quốc tế, HDV cần tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế (Luật Du lịch 2005 yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên mới được cấp thẻ HDV quốc tế).

Luật mới cũng quy định thẻ HDV du lịch quốc tế và thẻ nội địa có thời hạn 5 năm, thay vì 3 năm như Luật Du lịch 2005. Đối với thẻ HDV du lịch tại điểm, Luật Du lịch 2017 không quy định thời hạn sử dụng. Việc sử dụng thẻ HDV du lịch tại điểm tùy theo nhu cầu của cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch và HDV du lịch tại điểm.

Ngoài ra, việc quy định thời hiệu đổi lại thẻ hết hạn, Luật Du lịch 2017 không khống chế thời gian (Luật Du lịch 2005 quy định trong thời gian 30 ngày trước khi hết hạn phải đổi lại thẻ mới; nếu không đổi, HDV có nhu cầu đi hướng dẫn trở lại thì phải làm lại thẻ như cấp mới).

* Theo ông, những quy định của luật mới này có tác động như thế nào đến cộng đồng HDV, nhất là những HDV tự do và các đơn vị kinh doanh lữ hành?

- Bên cạnh những HDV được đào tạo bài bản, hoạt động đúng quy định của pháp luật, có một số HDV còn những hạn chế trong quá trình hoạt động, cả về năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến hình ảnh của HDV, hình ảnh của ngành du lịch; công tác quản lý, theo dõi và hỗ trợ cũng như việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của HDV có nhiều bất cập.

Trong quá trình phát triển, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những mặt hạn chế là hết sức cần thiết. Do vậy, việc quy định các điều kiện theo quy định mới đối với hoạt động hướng dẫn du lịch cũng như các lĩnh vực lữ hành, lưu trú… bảo đảm yêu cầu đặt ra. Điều này sẽ góp phần vào công tác quản lý, chấn chỉnh, cũng như nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ HDV du lịch, ngăn ngừa và hạn chế các vấn đề tiêu cực.

Đồng thời, sự thay đổi trong điều kiện hành nghề HDV cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành có nguồn HDV chất lượng, kỹ năng tốt. Doanh nghiệp sẽ có đầy đủ thông tin về HDV, nắm rõ về trình độ nghiệp vụ của HDV để lựa chọn HDV phù hợp với tính chất của đoàn khách, phục vụ đoàn chu đáo, bảo đảm chất lượng tour và các dịch vụ đi kèm. Việc doanh nghiệp sử dụng những HDV có đủ điều kiện hành nghề là điều rất quan trọng

Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh điều kiện cấp thẻ HDV du lịch theo hướng rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa HDV du lịch nội địa và HDV du lịch quốc tế trên cơ sở phù hợp với chương trình đào tạo về HDV, bảo đảm cân đối giữa trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, góp phần giải quyết tình trạng thiếu HDV du lịch, đặc biệt với một số ngôn ngữ trong một số thời điểm.

* Vậy ngành Du lịch Đà Nẵng triển khai, quản lý HDV theo luật mới này như thế nào, thưa ông?

- Để đáp ứng việc quản lý HDV theo Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, Sở Du lịch đã cùng đại diện Tổng cục Du lịch, Hội Lữ hành, Chi hội HDV du lịch Đà Nẵng và Hội HDV du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức chương trình gặp mặt, trao đổi với HDV hoạt động trên địa bàn thành phố nhằm phổ biến Luật Du lịch 2017 và giải đáp các thắc mắc của HDV.

Sở cũng đã có văn bản đề nghị Hội Lữ hành Đà Nẵng, Chi hội HDV du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố chủ động nghiên cứu, tuyên truyền trong cộng đồng HDV về các điểm mới của Luật Du lịch 2017 liên quan đến hoạt động của HDV để biết và triển khai thực hiện.

Trong thời gian đến, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phổ biến các thông tin về Luật Du lịch mới đến với các cá nhân, đơn vị liên quan thông qua trang web của Sở, Cổng thông tin du lịch thành phố, thư điện tử (email)…; đồng thời có kế hoạch triển khai triển khai những nội dung, công việc theo chỉ đạo của Tổng cục Du lịch để hoạt động HDV trên địa bàn đi vào nền nếp, đáp ứng các yêu cầu của Luật Du lịch 2017 và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.

* Xin cảm ơn ông!

* Ông Trần Trà, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch Đà Nẵng:

Khi luật mới có hiệu lực, các hướng dẫn viên (HDV) tự do sẽ phải theo các quy định đó. Trên phạm vi cả nước hiện cũng có các chi hội HDV được các tổ chức công nhận, có nhiều nhóm không thuộc tổ chức nào hoặc tự thành lập thì cũng sẽ phải chịu tác động của luật mới.

Riêng Đà Nẵng đã có Chi hội HDV du lịch cách đây gần 20 năm (trước đó là CLB HDV du lịch) nên không có ảnh hưởng nhiều. Ngoài các CLB tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc… đã đi vào hoạt động, Chi hội đang xúc tiến thành lập CLB HDV tiếng Việt và xa hơn là các thị trường tiếng khác để các hội viên tiện sinh hoạt theo ngôn ngữ của các thị trường khách. Hiện nay, Chi hội HDV Du lịch Đà Nẵng có hơn 1.000 người tham gia và chi hội cũng đang xúc tiến phát hành thẻ hội viên để phù hợp với quy định mới của luật.

* Anh Trần Văn Hóa, hướng dẫn viên tiếng Việt tại Đà Nẵng:

Hiện nay, phần lớn các HDV hoạt động tự do. Theo tôi, vẫn cần các hội, đoàn thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của HDV khi cần và việc tham gia một hội, đoàn thể sẽ giúp việc quản lý HDV tốt hơn. Nên để các địa phương tự thành lập các chi hội và quản lý HDV của địa phương mình, Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật.

* Anh Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Việt:

Để triển khai Luật Du lịch mới, có một số yêu cầu dành cho HDV như phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc HDV là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, theo tôi, nên tham khảo các hiệp hội ở nước ngoài, khi hội viên tham gia hội, được cấp thẻ thì quyền lợi của họ như thế nào, nếu làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật ra sao… Nhiều yêu cầu như hiện nay rườm rà và bất tiện cho HDV.

NHẬT HẠ ghi

THU HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.