Hỗ trợ ngư dân áp dụng công nghệ mới

.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, Chi cục Thủy sản đã có nhiều hỗ trợ ngư dân áp dụng công nghệ mới như hầm sơn PU bảo quản hải sản, máy tời thu câu, máy định vị, máy dò cá… cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều ngư dân đã học tập, áp dụng nhiều công nghệ mới vào khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm.

Các hộ ngư dân vui mừng khi nhận hỗ trợ máy định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động trang bị cho tàu cá.
Các hộ ngư dân vui mừng khi nhận hỗ trợ máy định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động trang bị cho tàu cá.

Vừa ra khơi được 5 ngày, tàu cá ĐNa 90758 TS phải quay vào bờ do gặp gió mùa đông bắc nhưng cũng đã thu được hơn 200 triệu đồng với nghề câu cá hố. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu lãi hơn 100 triệu đồng cho chuyến đánh bắt ngắn ngày mùa biển động. “Nhờ hệ thống máy tời thu câu được hỗ trợ lắp đặt, năng suất đánh bắt tăng lên từ 40-60%”, ngư dân Nguyễn Văn Tiến (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90758 TS cho hay.

Được biết, năm 2016, từ sự hỗ trợ 50% giá thành máy tời thu câu của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (tổng giá thành máy tời thu câu là 40,8 triệu đồng, ngư dân đóng góp 20,4 triệu đồng), hiệu quả đánh bắt bằng nghề câu của tàu cá ĐNa 90758 TS của ông Nguyễn Văn Tiến và tàu ĐNa-90107 TS của bà Phùng Thị Ngoan (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã tăng lên đáng kể.

Trung tâm còn hỗ trợ phun sơn PU (foam PU) đối với 4 hầm bảo quản sản phẩm và bọc inox bên ngoài 1 hầm bảo quản cho tàu cá ĐNa 90829 TS (đóng mới năm 2016 có công suất 1.160CV) của ngư dân Nguyễn Ngọc Anh (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ 300 khay bảo quản sản phẩm cho 3 hộ (100 khay/hộ) tại hai quận Liên Chiểu và Hải Châu; đặc biệt là hỗ trợ 10 máy định vị và hải đồ màu, tích hợp nhận dạng thu phát cho 10 hộ tại các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu.

“Từ kinh phí hỗ trợ (96 triệu đồng), tôi đầu tư thêm 244 triệu đồng để làm 5 hầm bảo quản, gồm 4 hầm foam PU và 1 hầm bọc inox ở bên ngoài. So với hầm xốp sử dụng trước đây, hầm foam PU giữ được nhiệt dài ngày hơn, tốn ít đá và giữ được độ tươi của sản phẩm tốt, tỷ lệ cá hư hao ít hơn… Nhìn chung, nhờ hầm foam PU nên đánh bắt hiệu quả hơn, tăng lãi ròng cho ngư dân”, ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ tàu ĐNa 90829 TS cho biết.

Đáng mừng là từ những hiệu quả nói trên, nhiều ngư dân đã học tập, áp dụng nhiều công nghệ mới vào khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm. “Hiện nay, nhiều tàu cá đã trang bị máy tời thu câu để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Tuy nhiên, ngư dân cũng cần thường xuyên bảo trì, sửa chữa máy tời thu câu để sử dụng lâu dài, tránh hỏng hóc…”, ngư dân Nguyễn Văn Tiến cho biết. Ngư dân Nguyễn Ngọc Anh, chủ tàu ĐNa 90829 TS cũng cho hay: “Nhiều ngư dân đã chọn đóng hầm bảo quản bằng foam PU”.

Theo bà Ngô Thị Kim Cương, Chi cục phó Chi cục Khuyến ngư - nông - lâm, đối với hầm bảo quản bình thường bằng xốp chỉ bảo quản tối đa từ 12-15 ngày, sau 15 ngày thì nguyên liệu bắt đầu suy giảm chất lượng và hư hỏng. Còn đối với hầm foam PU, sau 15 ngày, chất lượng nguyên liệu vẫn bảo đảm tốt. Những tàu được trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu foam PU có thể lấy nước đá trước khi đi biển 3-4 ngày mà không sợ hao đá; có thể tiết kiệm được 30% lượng đá hao hụt, kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng nguyên liệu thủy sản sau khai thác. Đến nay, đã có nhiều ngư dân đầu tư cải hoán công nghệ hầm bảo quản truyền thống (xốp) sang công nghệ vật liệu mới là foam PU.

Đối với máy tời thu câu, thực tế cho thấy giúp tiết kiệm hơn 30% thời gian thu câu; nâng cao số lượng lưỡi câu được trang bị, từ đó giúp tăng sản lượng đánh bắt, tăng thêm thu nhập, bên cạnh còn giảm thiểu rủi ro tai nạn trong lao động bằng tay. Với hiệu quả như vậy, đến nay, có hơn 30 ngư dân đã trang bị máy tời thu câu.

Việc hỗ trợ lắp đặt máy định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động Haiyang HIS - 70A cũng mang lại kết quả khả quan đối với 10 hộ ngư dân, như hạn chế mất mát ngư lưới cụ; tránh va trên biển, nhất trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế do có khả năng nhận dạng được các tàu xung quanh như tàu hàng, tàu dầu và kích cỡ tàu; đánh dấu được vị trí khai thác… Hiện nay, nhiều ngư dân cũng tự đầu tư lắp đặt các loại máy có chức năng nói trên.

“Đầu tháng 11-2017, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm tiếp tục hỗ trợ cho 15 hộ ngư dân 6 bộ máy Haiyang HIS - 70A, 2 bộ máy HD-1000CFA (định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động và dò cá), 120 tấm lưới rê chuồn và 500 khay bảo quản sản phẩm, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác”, bà Ngô Thị Kim Cương cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.