Bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước

Xây dựng chiến lược phát triển tài nguyên nước

.

Sau khi đăng tải bài “Khách sạn “hút” nước sạch?” và các bài viết liên quan phản ánh thực trạng hạ tầng công trình cấp nước, giải pháp ứng phó và nâng cao năng lực cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở đô thị (các số báo ra ngày 13, 14 và 15-6-2017), Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia đánh giá tác động tài nguyên nước, xây dựng giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước cho thành phố.

Nhu cầu sử dụng nước sạch lan rộng ra vùng nông thôn huyện Hòa Vang và các khu đô thị mới nên nguồn cung cấp nước tăng lên.
Nhu cầu sử dụng nước sạch lan rộng ra vùng nông thôn huyện Hòa Vang và các khu đô thị mới nên nguồn cung cấp nước tăng lên.

* Kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia thủy lợi thành phố Đà Nẵng: Tối kỵ thực hiện giải pháp phi công trình ở hạ nguồn

Năm 2016, tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng đập ngăn mặn kiên cố ở Tứ Câu - thị xã Điện Bàn để ngăn mặn, giữ nước ngọt trên sông Thu Bồn và cải thiện hạ tầng giao thông. Các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng đã phản hồi và kiến nghị tỉnh Quảng Nam ngừng nghiên cứu đầu tư xây dựng đập ngăn mặn Tứ Câu để bảo đảm đa dạng sinh học vùng nước, tránh tác động gây nhiễm mặn lên nguồn nước sông cầu Đỏ.

Trong “Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” có giải pháp xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ gắn với đầu tư thêm nhà máy sản xuất nước. Cá nhân tôi không tán thành giải pháp này. Đây là điều tối kỵ khi thực hiện giải pháp phi công trình như đập ngăn mặn ở vùng hạ du. Xây đập ngăn là phá vỡ cảnh quan, tính đa dạng sinh học ở vùng nước lợ, phá vỡ quy hoạch phát triển giao thông đường thủy…

Thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ bị chặn hết các nguồn nước mặt. Nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng lớn dần. Để xử lý nhiễm mặn cho vùng hạ du các sông tại Đà Nẵng và Quảng Nam, theo tôi, cần nâng cao trình đập ngăn Quảng Huế ở Ái Nghĩa để trả nước về sông Vu Gia; đồng thời mở cửa nhận nước sông Thu Bồn về sông Vĩnh Điện. Nếu hai phương án trên không đáp ứng xóa mặn cho sông Vĩnh Điện thì mới tính đến giải pháp công trình như đập ngăn trên sông Vĩnh Điện và sông Cầu Đỏ.

Để chủ động nguồn cung cấp nước an toàn, ổn định và bền vững, thành phố Đà Nẵng cần tìm kiếm nguồn nước bổ sung. Đó là nguồn nước ở khu vực phía tây bắc thuộc lưu vực sông Cu Đê. Thượng nguồn sông Cu Đê là hợp lưu của sông Nam, sông Bắc có nguồn nước từ dãy núi Bạch Mã và những dãy núi phía tây có độ cao từ 700-1.700m. Việc khai thác nước trên sông Cu Đê có tính khả thi và hiệu quả để cung cấp cho Nhà máy Nước Hòa Liên.

Đây là giải pháp đa dạng hóa các nguồn cung cấp nước Đà Nẵng và là giải pháp rất cần thiết cũng như cấp thiết. Trong lưu vực sông Cu Đê còn có hồ chứa Hòa Trung, xã Hòa Liên với dung tích trên 11 triệu m3. Theo thiết kế, hồ chứa này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 650ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, chỉ còn khoảng 300ha đất nông nghiệp nên trong tương lai khi khai thác nguồn nước sông Cu Đê, cần xem xét nguồn nước bổ sung cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp từ hồ chứa này.

* Ông Đinh Quang Cường, Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng: Xây dựng cơ sở dữ liệu về chiến lược chống chịu biến đổi khí hậu

Cuối năm 2016, thông qua khuôn khổ chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (gọi tắt là ACCCRN), Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng đã tổng kết tiểu dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng”.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong công tác quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đối với thành phố Đà Nẵng. Đây là dự án đầu tiên đánh giá khá toàn diện, đầy đủ, áp dụng kiến thức, công cụ tiên tiến trên thế giới về vấn đề nguồn tài nguyên nước ở Đà Nẵng, đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng và công tác quản lý nguồn tài nguyên nước của thành phố.

Dự án đã thu thập, tổng hợp bộ cơ sở dữ liệu “khổng lồ và đầy đủ” liên quan đến hiện trạng nguồn tài nguyên nước thành phố lưu vực Vu Gia - Hàn và Cu Đê. Dự án đã xây dựng mô hình WEAP (sử dụng công cụ đánh giá và lập kế hoạch tài nguyên nước) của Đà Nẵng với việc sử dụng dự báo nguồn nước đến và nhu cầu sử dụng nước trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu phục vụ cho công tác lập kế hoạch nguồn tài nguyên nước của thành phố.

Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thực hiện nghiên cứu, phân tích lựa chọn vị trí lấy nước trên sông Cu Đê phục vụ cho xây dựng nhà máy nước Hòa Liên; huy động sự tham gia các bên liên quan của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng đối thoại, chia sẻ về công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...

* Kỹ sư Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn: Nâng cao hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn

Thời gian qua, sản phẩm dự báo khí tượng thủy văn có nhiều cải tiến về hình thức và nội dung; công tác dự báo và cảnh báo kịp thời. Đối với thiên tai hạn hán, thiếu nước…, sản phẩm dự báo khí tượng thủy văn cần nâng cao hiệu quả để thành phố Đà Nẵng sớm xây dựng giải pháp, triển khai các kế hoạch tích trữ hồ nước, chống hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Ngành Khí tượng - Thủy văn thông qua Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cần xây dựng mô hình dự báo hạn hán, xâm nhập mặn tại hạ du lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn để phục vụ chống hạn trong sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt.

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
.
.
.
.
.