Quản lý tài nguyên nước ngầm: Nhiều bất cập

.

Sau khi Báo Đà Nẵng ra ngày 13, 14 và 15-6 đăng tải bài “Khách sạn “hút” nước sạch?” và các bài viết liên quan, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề này. Phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của các ngành chức năng về công tác quản lý tài nguyên nước ngầm…

Dawaco triển khai thay thế tuyến cấp nước ven đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt để tăng nguồn và áp lực nước cấp.
Dawaco triển khai thay thế tuyến cấp nước ven đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt để tăng nguồn và áp lực nước cấp.

* Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng: Khó xác định chính xác lượng nước ngầm khai thác, sử dụng

Công tác quản lý tài nguyên nước ngầm tại một số khách sạn, khu nghỉ mát trên địa bàn Đà Nẵng hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu vướng vào pháp luật hiện hành. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 52 công trình được UBND thành phố cấp phép khai thác theo quy định của Luật Tài nguyên nước, với tổng lưu lượng tối đa được cấp phép khai thác khoảng 14.091m3/ngày, đêm.

Năm 2015, sau khi Báo Đà Nẵng phản ánh về việc các khách sạn sử dụng nước ngầm, Sở TN&MT đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, phát hiện nhiều khách sạn ở khu vực Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có giếng khoan, đa số tận dụng trong quá trình xây dựng để sử dụng vào mục đích tưới cây, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh sàn nhà, giặt giũ...

Các khách sạn này vừa sử dụng nước thủy cục, vừa sử dụng nước ngầm. Vì vậy, rất khó xác định chính xác lưu lượng nước ngầm khai thác, sử dụng. Theo kê khai của doanh nghiệp, hầu hết đều sử dụng với lưu lượng <10m3/ngày đêm nên chưa đủ cơ sở yêu cầu tổ chức lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định. Bởi theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, việc cấp phép khai thác được thực hiện đối với các công trình có lưu lượng từ 10m3/ngày, đêm trở lên.

Ngoài vướng mắc về luật định như đã nêu, hiện tại, lực lượng quản lý quá mỏng và thiếu phương tiện thiết bị hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ, trong đó việc xác định cụ thể các công trình khai thác lớn hay nhỏ hơn 10m3/ngày, đêm là khó khăn nhất.

Sở đang thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá mực nước dưới đất, khoanh định khu vực phải đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, làm cơ sở trình UBND thành phố phê duyệt, công bố khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Công việc này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017, làm cơ sở phân cấp cho UBND các phường/xã triển khai đăng ký khai thác nước dưới đất.

* Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức sử dụng nguồn nước sạch

Việc các cơ sở lưu trú sử dụng nước ngầm tự bơm thay vì sử dụng nước thủy cục vì mục tiêu lợi nhuận về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của thành phố. Các cơ sở lưu trú thường xuyên khai thác và sử dụng nước ngầm không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của du khách cũng như người lao động.

Nếu không kiểm soát được, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sụt lún nền đất, ảnh hưởng đến cấu trúc nền móng của công trình và hệ thống cống gom nước thải, làm tăng nguy cơ ngấm nước thải ra môi trường, gây ô nhiêm môi trường.

Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và bảo đảm sức khỏe của du khách khi tham quan, lưu trú tại Đà Nẵng, Sở đề nghị các chủ đầu tư, giám đốc các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn phục vụ du khách và nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm.

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Du lịch có văn bản hướng dẫn đăng ký và nêu rõ các quy định về đăng ký, sử dụng, khai thác nước dưới đất trong hoạt động kinh doanh du lịch. Cụ thể, theo Điều 32, Chương III, Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định:

Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước có trách nhiệm quan trắc, giám sát việc khai thác sử dụng nước và xả nước thải theo quy định; tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác.

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã truyền đạt Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 13-11-2014 của UBND thành phố ban hành quy định về quản lý hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn Đà Nẵng có quy định khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất. Do đó, việc khai thác sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ bị hạn chế trong việc cấp giấy phép. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

NGỌC PHÚ - THU HÀ ghi

;
.
.
.
.
.