Kinh tế

Rượu cần đắt hàng dịp Tết

09:00, 02/01/2016 (GMT+7)

Những ngày gần đây, các gia đình dân tộc thiểu số Cơtu ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) rộn ràng chuẩn bị hàng trăm ché rượu cần để xuất bán dịp Tết. Đây là món quà đặc biệt được du khách lựa chọn mỗi dịp xuân về khi ghé nơi đây.

Rượu cần Phú Túc chuẩn bị xuất bán dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Rượu cần Phú Túc chuẩn bị xuất bán dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Hương vị tự nhiên

Mấy ngày này, gia đình ông Lê Văn Nghĩa (61 tuổi, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) hối hả chuẩn bị rượu cần phục vụ dịp Tết. Ông cho biết, để xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu mất ngót nghét 100 triệu đồng, trong đó địa phương hỗ trợ 24 triệu đồng, còn lại gia đình ông tự bỏ ra.

Ông Nghĩa cho biết, ché đựng rượu được ông đặt mua ở Bát Tràng (Hà Nội). Rượu cần phải đựng trong ché bằng sành mới ngon, đúng hương vị đặc trưng. Gia đình ông tiêu thụ trung bình khoảng 60 bình/tháng và trong tháng cận Tết năm nay, ông đã nhận được tới tấp các đơn hàng từ người trong làng và khách phương xa.

Dự tính Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ông Nghĩa xuất bán hơn 400 ché rượu cần (hiện đã có 350 ché rượu được đặt sẵn theo các đơn hàng).

Rượu cần được làm hoàn toàn thủ công với nguyên liệu bản địa có sẵn như: sắn, bắp, gạo… nên có hương vị dịu nhẹ. Rượu uống không đau đầu và càng để lâu hương vị càng đậm đà. Theo ông Nghĩa, để có một bình rượu ngon, quan trọng nhất là phải điều chỉnh được nhiệt độ theo sự thay thời tiết.

Nếu thời tiết lạnh thì phải tăng độ ủ men và nếu thời tiết nóng, nhiệt độ cao thì phải giảm độ ủ men. Ít nhất sau 1 tháng ủ men thì mới thành rượu và uống mới ngon. Ông Nghĩa cho biết, đồng bào dân tộc ở đây luôn chú trọng chất lượng bởi không chỉ xuất bán mà còn sản xuất cho chính gia đình, người thân và người trong làng cùng uống.

“Có đôi lúc vì lý do thời tiết, chất lượng rượu chỉ đạt khoảng 80-90% so với yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận điều đó chứ không bỏ thêm chất phụ gia để bảo đảm uy tín rượu cần Phú Túc. Người đồng bào dân tộc chúng tôi rất coi trọng rượu cần và xem nó như biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng”, ông Nghĩa nói.

Rượu cần Phú Túc hiện đã được các ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều lần mua và thưởng thức rượu cần Phú Túc, anh Nguyễn Thanh Hưng (35 tuổi, ở quận Hải Châu) cho biết: “Cứ mỗi lần đi công tác ở Phú Túc là tôi lại ghé nhà ông Nghĩa để mua vài ché rượu cần về uống và tặng bạn bè. Rượu ngon, uống nhiều nhưng không mệt, không đau đầu như các loại rượu thông thường. Bạn bè tôi cũng rất thích uống”.

Cần được hỗ trợ

Rượu cần vốn là đặc sản của đồng bào dân tộc Cơtu Đà Nẵng. Mỗi năm, cứ vào dịp lễ, tết hay những ngày hội làng, bà con không lên rẫy mà tổ chức các trò chơi đậm nét văn hóa như biểu diễn cồng chiêng và múa tung tung da dá, hát lý, bắn nỏ, kéo co…

Tại đây, thức uống không thể thiếu chính là rượu cần. Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục đẹp này đang dần bị mai một. Vì thế, tháng 1-2015, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng phối hợp UBND xã Hòa Phú tổ chức hội nghị giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm “Rượu cần Phú Túc”.

Trước đó, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Tổ hợp tác sản xuất rượu cần, ban đầu có 8 hộ với sản lượng 1.000 ché/năm (bao gồm các loại từ 4-12 lít, giá bán từ 100.000 - 300.000 đồng/ché). Mỗi hộ đều chủ động trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngay trước cổng nhà mình để quảng bá.

Tuy nhiên, hiện nay, do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên chủ yếu chỉ còn hộ ông Nghĩa và anh Lê Văn Hoàng phát triển sản xuất rượu cần. Những hộ còn lại như hộ ông Lê Đồ, Nguyễn Văn Triết, Đinh Văn Tín… làm cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.

“Bởi còn lúng túng trong việc quảng bá sản phẩm nên chúng tôi đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, chúng tôi chủ yếu tận dụng nhân lực trong gia đình chứ chưa dám mở rộng và thuê thêm nhân công”, ông Nghĩa cho biết.

Thực tế, ngay cả một số du khách khi đến Phú Túc cũng không hề biết nơi đây có thứ rượu đặc sản này. Bản thân chúng tôi nếu không có người dẫn đường và chú ý chiếc biển hiệu “nhỏ xíu” trước nhà ông Nghĩa thì chắc sẽ lướt xe qua cơ sở sản xuất và bán rượu cần của ông. Và nếu muốn mua rượu cần nơi đây thì hiện nay người dùng phải vượt hàng chục km để đến tận xã Phú Túc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, sắp đến địa phương sẽ phối hợp với các nơi để mở thêm một số điểm bán rượu cần ở khu đô thị Túy Loan, ở chợ Hàn để đẩy mạnh việc tiêu thụ cho sản phẩm này.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.