Kinh tế

Doanh nghiệp Đà Nẵng trước vận hội mới

07:52, 04/01/2016 (GMT+7)

Năm 2015, là năm thành công của Việt Nam trên trường ngoại giao, với hàng loạt hiệp định kinh tế hoặc hiệp định thương mại tự do FTA (sau đây gọi chung là hiệp định), được ký kết như: Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm 5 nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Nga), Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc, kết thúc đàm phám Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) và cuối cùng là việc kết thúc đàm phán hiệp định giữa Việt Nam và Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EU).

Trong đó, TPP được coi là hiệp định khung, là chuẩn mực cho các hiệp định về kinh tế trong thế kỷ 21. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, việc tham gia vào các hiệp định nói trên, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 5% đến 10%/năm trở lên, thông qua xuất khẩu hàng hóa. Điểm chung của các hiệp định này là trên 90% các dòng thuế xuất, nhập khẩu đồng loạt giảm về không (0).

Công ty CP Dệt may 29-3 là một trong những đơn vị của ngành may có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Công ty CP Dệt may 29-3 là một trong những đơn vị của ngành may có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Ưu thế Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ là địa phương có nhiều thuận lợi để biến các cơ hội trên thành hiện thực. Đó là, Đà Nẵng nằm ở trung độ của cả nước, có đầy đủ các loại hình giao thông (đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt), trong đó Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển nước sâu thuận lợi của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), đây là tuyến đường xuyên Á có chiều dài 1.450km đi qua 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Điểm mạnh nhất của Đà Nẵng là sau một thời gian dài cải tạo, xây dựng, Đà Nẵng đã có hạ tầng giao thông khá hoàn thiện và thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa với các địa phương trong nước và các thành phố lớn trong khu vực.

Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển khi các hiệp định có hiệu lực.

Đón đầu các cơ hội, thành phố đã chọn năm 2014 là “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng” và mới đây, đã ra mắt Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp để tạo tiền đề thực hiện trong các năm tiếp theo với hàng loạt các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Đó là các chính sách về đất đai (tiền thuê đất, kéo dài thời gian thuê đất…), chính sách cho vay từ nguồn vốn ưu đãi của thành phố... Đặc biệt, là việc cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện đã và đang được đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ và được các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng.

Với sự nỗ lực của UBND thành phố và các sở, ngành, nhiều năm liền thành phố Đà Nẵng luôn dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặc dù đây chỉ là những chỉ số mang tính hỗ trợ, nhưng nó là chất xúc tác quan trọng mở ra cơ hội hợp tác đầu tư đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, sự ưu đãi của thiên nhiên về biển, khí hậu, các khu du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng cũng sẽ là lợi thế so sánh không nhỏ để thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng… Rất nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã được đối tác chọn lựa nhờ có các chỉ số phụ này.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vươn lên trong những năm tới. Với những lợi thế của Đà Nẵng như nêu trên, các doanh nghiệp tự xây dựng kế hoạch phát triển, đầu tư, tổ chức xắp xếp để quản trị hiệu quả, tạo lợi thế cạnh tranh khi hội nhập.

Đặc biệt là việc vượt qua những rào cản kỹ thuật, những quy định của mỗi quốc gia tham gia các hiệp định để sản phẩm được các nước tham gia các hiệp định chấp nhận nhập khẩu.

Muốn vậy, phải đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất đối với những mặt hàng mà doanh nghiệp đang có lợi thế và đã được chấp nhận; đổi mới tư duy phải sản xuất những gì mà thị trường cần thay cho lối tư duy cũ đưa ra thị trường những gì mình có thể làm.

Đồng thời, phải tính đến người tiêu dùng trong nước, vì với thị trường gần 90 triệu dân thì Việt Nam cũng là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với các nước tham gia hiệp định.

Đà Nẵng đã có những sản phẩm mang tính đón đầu khi các hiệp định ra đời. Đó là, sản phẩm lốp ô-tô toàn thép của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, các mặt hàng veston và hàng cao cấp khác của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, các loại tàu chuyên dùng của Tổng Công ty Sông Thu – Bộ Quốc phòng... Các doanh nghiệp này rất tự tin và chờ đợi các hiệp định có hiệu lực, trở thành bài học cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.