.

Thu nhập ổn định nhờ trang trại ven đồi

.

Năm 2012, UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lập Đề án phát triển kinh tế khu vực ven đồi Khánh Sơn-Đà Sơn. Từ đó đã đánh thức tiềm năng của một vùng đồi đất bao la.

Vùng ven đồi này hiện đã có hơn 20 trang trại canh tác, trồng rừng và chăn nuôi quy mô lớn. Ông Nguyễn Văn Tống (tổ 153) vừa cho thỏ ăn, vừa hồ hởi nói: Tôi xây dựng trang trại từ đầu năm 2013, kết hợp nuôi thỏ, nuôi heo rừng và ươm cây giống. Trong đó, chỉ riêng 50 cặp thỏ giống, tuần nào cũng có sản phẩm bán được vài triệu đồng. “Thỏ rất mắn đẻ, lứa trước lứa sau chỉ cách nhau 45 ngày, thỏ 3 tháng tuổi, giá 160.000 đồng/con. Heo rừng cũng nhanh đẻ, giá 150.000 đồng/kg, thương lái đến mua tại chuồng và có bao nhiêu cũng bán hết”, ông Tống chia sẻ.

Gần đó, trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Đức Tuấn với những dãy chuồng kiên cố và những đàn heo béo núc. Ông Tuấn đã xây hầm biogas để xử lý phân, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa tạo ra nguồn nhiệt đun nấu. Ngày ngày, hai vợ chồng chạy xe khắp các phố xin nước mã về nấu cho heo và tự xử lý mọi công đoạn phòng, chống dịch bệnh. Mỗi năm xuất chuồng 4 lứa, lãi ròng hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Xinh (tổ 156), đầu tư nuôi bò đàn kết hợp trồng rừng trên diện tích 15 héc-ta. Đất rộng, cỏ tốt, bò phát triển nhanh. Với 30 con bò mẹ, ông Xinh thường xuyên có bò giống và bò thịt để bán, giá 15-20 triệu đồng/con. Tổng đàn bây giờ đã lên gần 70 con. Rừng bạch đàn của ông cũng đã bắt đầu khai thác.

Cả vùng ven đồi mênh mông trước đây um tùm cỏ cây hoang dại, bây giờ các trang trại nối nhau, thu hút hàng trăm lao động, nhất là những nông dân lớn tuổi, không có điều kiện chuyển đổi nghề sau quy hoạch, giải tỏa. Các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư cũng chuyển đến đây và nhờ có đất rộng, đàn gia súc tăng nhanh. Cùng với đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của quận, thành phố còn thường xuyên hỗ trợ về kiến thức kỹ thuật, phương pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tạo nhiều thuận lợi cho người nông dân phấn đấu vươn lên.

Theo ông Nguyễn Thanh Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam, đề án phát triển kinh tế ven đồi đã tạo ra một hướng đột phá, đánh thức được tiềm năng của một vùng đồi đất bao la, tạo việc làm và cuộc sống ổn định cho nhiều người.

Mặt khác, ở Hòa Khánh Nam còn có nhiều mô hình sản xuất-kinh doanh phù hợp với điều kiện đô thị hóa như trồng nấm, trồng hoa, may gia công, làm sinh vật cảnh. Anh Trần Trung Hữu (tổ 68) say mê nuôi cá cảnh và từng bước mở rộng quy mô. Đến nay, anh có gần 100 hồ cá cảnh, với hơn 3.000 con cá mẹ và hàng chục vạn cá con, nhiều nhất là cá Hà Lan, cá thần tiên, cá tai tượng, mỗi ngày bán được từ 600-800 ngàn đồng.

Chị Nguyễn Thị Dung (tổ 98), gắn bó với nghề làm hương từ nhỏ và đã trở thành chủ cơ sở sản xuất hương Kim Dung, với chu trình khép kín từ trộn nguyên liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm. Thương hiệu hương Kim Dung đã được người tiêu dùng gần xa tín nhiệm, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều nơi và chưa bao giờ bị tồn đọng…

Hằng năm, UBND và Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp nông dân vay vốn lãi thấp, vận động các hộ làm kinh tế giỏi trao đổi kinh nghiệm làm ăn... Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng phát triển và diện mạo phố phường không ngừng thay đổi. Toàn phường hiện có 244 hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.