.

Nâng cao chất lượng công tác khuyến công

.

Đến nay, chương trình khuyến công (KC) của thành phố Đà Nẵng triển khai theo tinh thần Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư hơn nữa.

Trình diễn và bàn giao máy sấy và hấp nấm cho các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn thành phố.
Trình diễn và bàn giao máy sấy và hấp nấm cho các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn thành phố.

Chương trình đã hỗ trợ vốn trực tiếp cho 47 doanh nghiệp (DN) để đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, tiết kiệm năng lượng… và giúp 17 DN xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho hàng ngàn lao động, hàng trăm cán bộ quản lý các DN. Các DN được hỗ trợ về vốn, đào tạo tay nghề… đã phát huy được hiệu quả vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ năng bán hàng, tiếp thị sản phẩm…

Một số DN đã có thương hiệu như: sản phẩm nấm rơm của HTX An Hải Đông (quận Sơn Trà), sản phẩm lưu niệm du lịch của Cơ sở điêu khắc đá Thanh Thiện, Công ty CP Cơ điện Đà Nẵng… Đặc biệt, qua chương trình đã tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, nhiều ngành nghề truyền thống được phục hồi, góp phần tích cực vào việc dịch chuyển cơ cấu lao động ở nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến năm 2015, toàn thành phố có 990 cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn và vùng ven, tăng 323 cơ sở so với năm 2005. Riêng huyện Hòa Vang - khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình - đã có bước chuyển biến mạnh về giá trị sản xuất công nghiệp; đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Hòa Vang đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với năm 2005.

Công tác đào tạo nghề và truyền nghề được xem là một trong những lĩnh vực khá thành công của chương trình trong 10 năm qua. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) – đơn vị trực tiếp triển khai chương trình - đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) dưới nhiều hình thức và tập trung ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề như chạm khắc đá mỹ nghệ, sản xuất chổi đót, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, may công nghiệp, sản xuất mây tre đan...

Với 9 khóa đào tạo nghề, TTKC đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.400 lao động mới thuộc nghề chạm khắc đá mỹ nghệ Non Nước (110 lao động); đào tạo nghề sản xuất chổi đót (150 lao động), nghề sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (302 lao động), nghề may công nghiệp (350 lao động), nghề mây tre đan (200 lao động)... Những lao động này hiện đều có việc làm ổn định, với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ổn định kinh tế, xã hội của địa phương.

Năng lực quản lý của nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình được nâng lên. 10 năm qua, chương trình đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho gần 600 cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của hàng trăm DN. Đây là thành công rất đáng ghi nhận của chương trình, vì hầu hết các DN trong diện được hưởng lợi từ chương trình là DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh tế gia đình, những cán bộ quản lý các DN này hầu như không được đào tạo, thậm chí có người chưa tốt nghiệp THPT. Với vai trò là cầu nối giữa các DN, chương trình đã giúp các DN liên kết với nhau thông qua việc thành lập các hiệp hội làng nghề, hội doanh nghiệp; từng bước hoạt động có hiệu quả, làm tốt vai trò liên kết giữa các thành viên trong tổ chức, đơn vị mình.

Để công tác khuyến công thời gian tới có hiệu quả hơn, TTKC cần tập trung rà soát, hoàn chỉnh các chính sách trong lĩnh vực khuyến công nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển.

Trước mắt tập trung xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công thành phố và Chương trình khuyến công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 để cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ, các mức chi hoạt động khuyến công địa phương cũng như cụ thể hóa hoạt động khuyến công trong thời gian tới. Ngoài ra, rất cần sự quan tâm hơn nữa của thành phố, các sở, ngành trong việc xây dựng chính sách khuyến công phù hợp, cũng như đáp ứng nguồn kinh phí cho cơ sở.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.