.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu

.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, yêu cầu sản xuất và giao hàng đúng thời hạn, việc doanh nghiệp (DN) được bảo đảm về giải phóng hàng nhanh và đúng theo dự kiến càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng này, trong thời gian qua, Cục Hải quan thành phố đã nỗ lực thực hiện công tác cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Hải quan Đà Nẵng luôn đồng hành với doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Chi cục Hải quan KCN Hòa Khánh tổ chức Hội nghị tham vấn giữa hải quan và doanh nghiệp.
Hải quan Đà Nẵng luôn đồng hành với doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Chi cục Hải quan KCN Hòa Khánh tổ chức Hội nghị tham vấn giữa hải quan và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm qua, Hải quan đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý Nhà nước về hải quan, trong đó phải kể đến việc vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). Từ tháng 4-2015, hệ thống VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đi vào hoạt động đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ thủ công truyền thống, bán điện tử sang thực hiện thông quan điện tử; cùng với việc triển khai, vận hành cơ chế một cửa quốc gia (từ 6-2015) có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh xuất, nhập khẩu Công ty Dệt may 29-3 cho biết, so với thủ tục hải quan điện tử áp dụng trước đó, có thể thấy VNACCS tiện lợi hơn nhiều. Nếu như hải quan điện tử thời gian hồi đáp từ cơ quan hải quan mất 15 phút, nay thời gian này chỉ từ 1 đến 3 giây đối với nhóm hàng thuộc luồng xanh.

Ông Vinh cũng cho biết, từ khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS đã bớt chi phí rất nhiều cho DN. Đơn cử, chỉ tính ở Phòng Xuất, nhập khẩu đã giảm được 1/2 số lượng nhân sự, tính ra mỗi năm ở phòng này đã giảm hàng trăm triệu đồng tiền lương. Bên cạnh đó, giảm chi phí đi lại cho nhân viên cũng như chi phí và dịch vụ lưu bãi. “Chưa thể tính toán con số chính xác, nhưng từ khi áp dụng hệ thống thông quan tự động này, chi phí giảm từ 20-30% trong tổng chi phí phải trả thông quan cho một lô hàng”, ông Vinh cho biết.

Ông Cheng Wing Dor, Tổng Giám đốc Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam cho rằng, trước đây DN ông phải cung cấp đầy đủ tất cả các chứng từ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc khai báo, làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan, giải phóng hàng. Nhiều chứng từ trước đây phải nộp, trình bản chính, nay được trình hoặc nộp bản sao hay bản photocopy… Hợp đồng đối với hàng xuất khẩu, chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với nhóm hàng được hưởng thuế suất ưu đãi, giấy thông báo thuế và nhiều loại giấy tờ khác… nay không còn cần thiết. Điều này đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, giúp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời giảm chi phí in ấn, đi lại trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh hệ thống VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN vận tải biển. Anh Đinh Trần Viên, đại lý viên hãng tàu WanHai Đà Nẵng cho biết, từ năm 2013 trở về trước, khi khai báo thủ tục nhập cảng hay xuất cảng đều khai báo bằng hồ sơ giấy ở 4 đơn vị: Hải quan, Cảng vụ, Biên phòng và Kiểm dịch rất mất thời gian.

Từ năm 2013, khi hải quan tiến hành cải cách hành chính thông qua cổng thông tin điện tử, việc khai báo giảm bớt thời gian, chi phí. Đặc biệt, từ khi cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đưa vào hoạt động, DN đã hưởng lợi rất nhiều. Trung bình một tuần có khoảng 1.000 container nhập cảng, với việc áp dụng cơ chế này đã giảm được nhiều chi phí cho quá trình thuê tàu, lưu bãi, bốc dỡ.

“Bên cạnh giảm thời gian, chi phí, thông qua hệ thống web, hồ sơ được lưu trữ một cách nhanh chóng, không lưu hồ sơ giấy như trước. Đồng thời, việc tra cứu thông tin liên quan của hãng tàu cũng chỉ mất vài giây”, anh Viên cho biết. Tuy nhiên, việc tham gia cơ chế một cửa quốc gia cảng biển quốc tế hiện nay, theo nhìn nhận của anh Đinh Trần Viên, vẫn còn nhiều vướng mắc, đó chính là tuy đã kê khai chi tiết tại Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng để hoàn thiện thủ tục, vẫn đồng thời khai báo tại Cảng vụ và Biên phòng lại lần nữa. Lý do là Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn chưa cung cấp đầy đủ tất cả các chức năng, thủ tục cần thiết.

Anh Viên lấy ví dụ, DN cần xin thẻ đi bờ cho thuyền viên thì trong Cổng thông tin một cửa quốc gia lại chưa có chức năng này, nên vẫn phải kê khai, làm thủ tục riêng với một đơn vị khác. “Do đó, cần thiết phải bổ sung, tổng hợp, thống nhất tất cả các thông tin giữa 4 cơ quan quản lý để chỉ cần qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là hoàn chỉnh thủ tục, từ đó mới đạt được mục tiêu “một cửa”, rút ngắn thời gian, thủ tục mà cơ chế hướng tới”, anh Viên nhìn nhận.

Điều làm các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hài lòng chính là thái độ phục vụ, cung cách làm việc của cán bộ Hải quan hết sức thân thiện, nhiệt tình. “Khi mới tham gia hệ thống VNACCS/VCIS, cán bộ, nhân viên của công ty vẫn còn khá lúng túng. Hơn nữa, đôi lúc hệ thống vẫn còn lỗi, trục trặc. Những lúc như vậy anh em đã liên lạc, dù bất cứ lúc nào, cán bộ hải quan cũng tận tình giúp đỡ”, ông Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ. Trong khi đó, ông Cheng Wing Dor chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo cũng như các nhân viên của Cục  Hải quan Đà Nẵng, Chi cục Hải quan Hòa Khánh - nơi chúng tôi đến làm việc, đều có tinh thần làm việc hợp tác tốt với DN, luôn lắng nghe và tạo điều kiện giúp đỡ DN”.

Với những bứt phá trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Hải quan Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, đồng thời luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ các DN. Qua đó tạo điều kiện để họ hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.