.

Tăng trưởng tín dụng đạt khá

.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến cuối tháng 10-2014 ước thực hiện 61.500 tỷ đồng, tăng 1,24% so với tháng 9-2014, tăng hơn 12% so cùng kỳ và tăng 14,96% so với cuối năm 2013.

Hiện nay, một số ngân hàng đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, một số ngân hàng đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thống kê, có khá nhiều chi nhánh ngân hàng tăng trưởng tín dụng từ 12-50% so với cùng kỳ. Điển hình như NamAbank Đà Nẵng tăng 56,54%, SeaBank Đà Nẵng tăng 25,5%, Techcombank Đà Nẵng tăng 23,33%, Sacombank Đà Nẵng tăng 23,12%, MBBank Đà Nẵng tăng 22,83%, Vietcombank Đà Nẵng tăng 21,5%...

Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng cho biết, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2014, Vietcombank đã đưa ra nhiều gói tín dụng quy mô từ 10.000 tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp là khách hàng thân thiết với lãi suất ưu đãi. Có những gói tín dụng chỉ trong thời gian ngắn khách hàng đã vay hết. Nhiều khách hàng nhờ đó đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã tài trợ vốn năm 2014 và những năm tiếp theo cho hai doanh nghiệp tiềm năng với số tiền hàng chục tỷ đồng/năm; đồng thời đưa ra gói tín dụng 6.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng như mua đất, nhà, ô-tô. Theo phân tích của cán bộ Phòng Vốn Vietcombank Đà Nẵng, trong số dư nợ 10 tháng đầu năm đạt 4.735 tỷ đồng thì dư nợ của doanh nghiệp vay đạt 3.943 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Công ty TNHH Dịch vụ Phát Minh Anh có số dư nợ tại Vietcombank Đà Nẵng khoảng 15 tỷ đồng. Theo bà Huỳnh Thị Nguyên Anh, Giám đốc công ty, từ cuối 2013 đầu năm 2014, khi có dự án mở công ty, lãnh đạo Vietcombank Đà Nẵng đã lập phương án hỗ trợ cho vay với số tiền trên 15 tỷ đồng. Đến giữa năm 2014, công ty đi vào hoạt động sản xuất và dần ổn định. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục dựa vào nguồn vốn ưu đãi của Vietcombank Đà Nẵng để mở rộng đầu tư, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu”, bà Huỳnh Thị Nguyên Anh chia sẻ.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc SeaBank Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã đưa ra 3 gói tín dụng ưu đãi do doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh sản xuất với lãi suất từ 8,1-8,5%/năm. Bên cạnh đó, có những chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. “Đi kèm với việc đưa các gói tín dụng ưu đãi về lãi suất, ngân hàng còn đưa ra nhiều chính sách cho vay thuận tiện, kết hợp làm tốt công tác chăm sóc khách hàng nên doanh nghiệp đã tìm đến SEABank, góp phần tăng nhanh tín dụng so với cùng kỳ”, ông Lê Văn Minh cho biết.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi  nhánh Đà Nẵng cho biết, so với cả nước, mức tăng trưởng của Đà Nẵng cao hơn.

Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Trung ương đưa ra năm 2014 là 12%, đến nay Đà Nẵng đã đạt được con số đó, trong khi cả nước chỉ hơn 7%. Để có được như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vay vốn sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn; ngoài ra cũng đã chỉ đạo một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn dài hạn cho một số doanh nghiệp là khách hàng thân thiết của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức chỉ đạo, rà soát các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cũ cho doanh nghiệp, nhằm giảm bớt chi phí trả ngân hàng. Nhờ đó, đến nay, lãi suất của các tổ chức tín dụng xuống dưới 13%/năm.

Bên cạnh tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng cũng được các ngân hàng đẩy lên nên nợ xấu đang ở ngưỡng cho phép. Nợ xấu đến cuối tháng 9-2014 của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn là 1.408 tỷ đồng, chiếm 2,32% trên tổng dư nợ. “Hiện nay, việc hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thêm tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Võ Minh nhận định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.