.

Doanh nghiệp trên địa bàn quận Cẩm Lệ: Di dời về đâu?

.

Hiện trên địa bàn quận Cẩm Lệ có hơn 1.500 doanh nghiệp (DN), trong đó chủ yếu là DN nhỏ. Do tính chất, quy mô sản xuất như vậy nên các DN này chủ yếu hoạt động tại gia đình, nằm trong các khu dân cư với diện tích chỉ từ vài trăm mét vuông trở lại. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, mặt bằng sản xuất bị thu hẹp (do giải tỏa để thực hiện các dự án) ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN. Hầu hết các DN hiện rất khó duy trì và mở rộng sản xuất do việc bảo vệ môi trường cho khu dân cư (độc hại, tiếng ồn…). Vấn đề nan giải hiện nay của các DN trên địa bàn quận là mặt bằng cho sản xuất.

Cơ sở Nguyễn Hùng - một trong những cơ sở có đông lao động, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất.
Cơ sở Nguyễn Hùng - một trong những cơ sở có đông lao động, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất.

Điều đáng mừng là hầu hết các DN đều ý thức được việc phải di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư để duy trì và mở rộng sản xuất. Nhận thức được điều đó, nhiều năm trước đây, một số DN đã “đi tắt, đón đầu” bằng cách tự di dời đến những vùng xa (vùng giáp ranh giữa các phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu và phường Hòa An, quận Cẩm Lệ…), dân cư còn thưa thớt, tự san ủi mặt bằng và tổ chức sản xuất như DN Phước An… Thế nhưng, năm 2008, thành phố quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Lý nằm giữa 2 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với tổng diện tích đất gần 46ha; trong đó, quận Cẩm Lệ có 14ha, do Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại Cụm công nghiệp Phước Lý. Theo đó, các DN đã “đi tắt đón đầu” trước đây lại nằm trong phần đất của dự án, vì thế phải di dời; nhưng dời đi đâu thì các cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời.

Bài toán chưa có lời giải

Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Công ty CP Tư Vinh (Công ty Tư Vinh), Chi hội trưởng Chi hội DN phường Hòa An cho biết: Bức xúc hiện nay của các DN đang hoạt động trong khu dân cư là mặt bằng sản xuất. Hiện Công ty Tư Vinh phải hoạt động cầm chừng, vì nếu sản xuất liên tục thì ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Công ty Tư Vinh cũng như nhiều DN khác rất muốn vào các khu công nghiệp trên địa bàn như Khu công nghiệp Hòa Cầm… để sản xuất, nhưng lực bất tòng tâm. Nguyên nhân là Công ty Tư Vinh không đủ khả năng tài chính để vào Khu công nghiệp Hòa Cầm. Hơn nữa, các khu công nghiệp lại yêu cầu mỗi DN phải thuê ít nhất một lô đất có diện tích 2.000m2  trở lên, trong khi DN chỉ cần tối đa 500m2  là đủ. Các DN ở Cẩm Lệ muốn di dời đã có sáng kiến là 3 đến 4 DN cùng thuê một lô đất, rồi chia ra để sản xuất, nhưng cách làm này không được các khu công nghiệp chấp nhận.

Một số DN hiện ở trong Cụm công nghiệp Phước Lý còn khó khăn hơn vì họ vừa phải dời từ cơ sở cũ đến cụm công nghiệp này (trước khi có quy hoạch) trong điều kiện hạn chế về tài chính, không đủ khả năng di dời đến nơi mới; hơn nữa, nếu phải di dời cũng không biết đến đâu, vì thế “tiến thoái lưỡng nan”. Còn muốn ở lại Cụm công nghiệp Phước Lý cũng không được vì cụm công nghiệp này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ cụm công nghiệp thành Khu đô thị Phước Lý. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có bất cứ một DN nào được tồn tại trong khu đô thị này. Như vậy, cánh cửa để các DN đang ở trong các khu dân cư của quận Cẩm Lệ di dời vào Cụm công nghiệp Phước Lý đã đóng lại, trong khi các DN cần mặt bằng để sản xuất. Hậu quả là hầu hết các DN đang trong tình trạng bất ổn, mất phương hướng cả về tổ chức sản xuất và đầu tư lâu dài. Không ít DN tính đến việc giải thể, hoặc ngừng sản xuất, bất chấp hàng ngàn lao động của các DN này sẽ không biết tính kế sinh nhai thế nào trong tương lai.

Ngày 30-6-2014, Sở Xây dựng đã có Tờ trình số 3567/SXD-QLQHN gửi UBND thành phố về việc chọn địa điểm di dời các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Theo đó, sở đã chọn khu đất nguyên là khu quy hoạch khu dân cư (KDC) Phong Bắc (đã được hủy bỏ quy hoạch) nằm trên mặt tiền quốc lộ 14B và đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Cầm với diện tích 4,3ha để bố trí cho các cơ sở sản xuất nhỏ di dời. Mặc dù tờ trình này vẫn chưa có sự phê duyệt của UBND thành phố, nhưng hy vọng đây sẽ là giải pháp để các cơ sở sản xuất của quận Cẩm Lệ ổn định sản xuất.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.