.

Nâng tải trọng xe đầu kéo sơmi rơmooc: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?

.

Trước vấn nạn xe chở quá tải tràn lan trong thời gian qua, những tưởng rằng sau Văn bản số 8359/BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 10-7 vừa qua cho phép xe đầu kéo sơmi rơmooc 2 trục chở container được nâng tải trọng lên thành 33 tấn và xe 3 trục được nâng lên thành 38 tấn, thì doanh nghiệp (DN) vận tải sẽ vui mừng và triển khai thực hiện. Thế nhưng, hơn 1 tháng trôi qua, DN trên cả nước và Đà Nẵng vẫn rất thờ ơ với chủ trương này. Vì sao có chuyện lạ đời như vậy?

Đến nay chưa có xe đầu kéo sơmi rơmooc nào ở Đà Nẵng thực hiện nâng tải trọng xe theo hướng dẫn của Bộ GTVT.
Đến nay chưa có xe đầu kéo sơmi rơmooc nào ở Đà Nẵng thực hiện nâng tải trọng xe theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

Theo thống kê của Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 230 xe đầu kéo sơmi rơmooc thuộc diện được phép nâng tải trọng. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng Nguyễn Hương cho biết, đến nay trung tâm chưa tiếp nhận xe nào trong diện này sau khi nâng tải trọng đưa đến trung tâm để kiểm định. Ông Nguyễn Hương lý giải tình trạng trên là theo văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, các xe đầu kéo sơmi rơmooc muốn nâng tải trọng chỉ được đưa đến một trong 30 đơn vị đã được Bộ GTVT cho phép thực hiện việc này. Riêng trên địa bàn thành phố có 2 đơn vị nằm trong danh sách này, tuy nhiên hầu hết các DN không biết 2 đơn vị này.

Cũng theo ông Hương, vấn đề kỹ thuật di dời chốt kéo và cụm trục bánh xe để nâng tải trọng xe là rất đơn giản, nhiều cơ sở sửa chữa ô-tô có thể làm được. Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ hoàn tất hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm là vô cùng phức tạp, đòi hỏi những kỹ sư chuyên ngành mới có thể thực hiện được. Chính điều này làm cho nhiều DN không “thông” và chờ hướng dẫn mới từ Bộ GTVT.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp cho rằng, sự thờ ơ của DN là chuyện tất nhiên. Bởi theo ông, trong Văn bản hướng dẫn số 8359 của Bộ GTVT có nhiều điều khiến DN băn khoăn và khó thực hiện. Thứ nhất, vì sao Bộ GTVT không đề ra bộ tiêu chí kỹ thuật rõ ràng để các DN tự làm rồi đi kiểm định. Trường hợp xe nào làm không đạt thì yêu cầu làm lại, xe nào làm đúng thì được cấp phép.

Trên thực tế, rất nhiều DN vận tải có xưởng cơ khí đủ khả năng làm việc này nhưng lại không được làm cho mình mà phải đưa đến cơ sở do Bộ GTVT chỉ định. Thế nhưng, ngay những trường hợp được Bộ GTVT đưa vào danh sách được phép nâng cấp tải trọng xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Công ty CP Thương mại kỹ thuật Đà Nẵng cũng chưa thể triển khai được vì còn chờ… mua cân!

Đây là điều khiến nhiều DN bức xúc và cho rằng với đơn vị chưa đủ điều kiện như vậy thì tại sao Bộ GTVT lại đưa vào danh sách 30 đơn vị trên cả nước thực hiện việc nâng tải trọng xe đầu kéo sơmi rơmooc? Bên cạnh đó, giá thành đưa ra cho mỗi xe khi nâng tải trọng là 20 triệu đồng là quá cao, khiến nhiều DN không thể kham nổi trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Trong khi đó, đại diện của Công ty CP Vận tải MT cho biết: Dưới góc độ kỹ thuật, muốn tăng tải trọng xe thì phải điều chỉnh trục lùi về phía sau. Tuy nhiên, với trục bố trí kiểu như vậy khi vận hành sẽ xảy ra hiện tượng vỏ xe sau mòn rất nhanh nên dễ bị nổ vỏ xe, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều DN cho biết, xe container loại 3 trục, sau khi di dời chốt kéo và cụm trục bánh xe để được phép chở tối đa 38 tấn thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi lẽ, xe loại 3 trục nếu chở 2 thùng container loại mỗi thùng 20 feet thì một số mặt hàng nặng đã có tổng tải trọng tương đương 40 tấn. Như vậy, nếu có nâng tải trọng xe đầu kéo sơmi rơmooc lên trong khi chở 2 container loại mặt hàng này vẫn bị lỗi quá tải. Vậy thì nâng tải trọng xe lên để làm gì?

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.