.

Nên tăng lãi suất tiền ký quỹ ngân hàng

.

Để tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu rủi ro, theo quy định, doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành quốc tế phải nộp tiền ký quỹ cho ngân hàng. Nhiều DN kiến nghị nên tăng lãi suất đối với khoản tiền ký quỹ nhằm phát huy hiệu quả nguồn tiền này cho các hoạt động du lịch khác.

Việc tăng lãi suất nguồn tiền ký quỹ ngân hàng sẽ góp phần đem lại nhiều nguồn thu hơn cho ngân sách du lịch thành phố cũng như hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trong kinh doanh lữ hành quốc tế.  TRONG ẢNH: Đón khách tàu biển.
Việc tăng lãi suất nguồn tiền ký quỹ ngân hàng sẽ góp phần đem lại nhiều nguồn thu hơn cho ngân sách du lịch thành phố cũng như hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trong kinh doanh lữ hành quốc tế. TRONG ẢNH: Đón khách tàu biển.

Lãi suất còn thấp

Các nhà làm lữ hành cho rằng, việc đưa ra quy định bắt buộc các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ ngân hàng là việc làm cần thiết nhằm đề phòng rủi ro cho khách du lịch, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và hạn chế hoạt động du lịch “chui”. Khảo sát một vài công ty kinh doanh lữ hành quốc tế trên địa bàn thành phố cho thấy, hiện nay DN phải ký gửi dài hạn tại ngân hàng số tiền 250 - 500 triệu đồng nhưng chỉ được tính lãi không kỳ hạn là 0,2%/tháng. Các DN cho rằng, mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với mức lãi suất trần mà DN phải vay của ngân hàng để kinh doanh khoảng 1-1,5%/tháng. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố cho hay: “Với tình hình lượng khách quốc tế sụt giảm như hiện nay, hầu hết các DN kinh doanh lữ hành quốc tế đều gặp khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, DN lại phải ký gửi dài hạn tại ngân hàng số tiền lên đến 500 triệu đồng, nhưng lại hưởng lãi suất quá thấp, dẫn đến nguồn tiền lãi không được phát huy hiệu quả”.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện trên địa bàn thành phố có 175 DN lữ hành, trong đó có 87 DN kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, trong tổng số 87 DN kinh doanh lữ hành quốc tế, hiện chỉ có 3 DN ký quỹ ngân hàng mức 500 triệu đồng trong khi đa phần các DN đều hoạt động kinh doanh lữ hành inbound (khách du lịch vào Việt Nam) và outbound (khách du lịch ra nước ngoài). Tâm lý của hầu hết DN là chờ đến cuối năm 2014 mới nộp thêm tiền ký quỹ cho ngân hàng để hưởng lãi suất bên ngoài cao hơn. “Hiện nay, công ty chúng tôi đã nộp tiền ký quỹ cho ngân hàng là 250 triệu đồng.

Theo quy định mới, nếu công ty kinh doanh lữ hành outbound thì từ nay đến cuối năm 2014 phải tăng tiền ký quỹ thêm 250 triệu đồng nữa, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Trong tình hình khó khăn như hiện nay thì số tiền này quá lớn, trong khi lãi suất ký quỹ tại ngân hàng lại quá thấp. Vì vậy, chúng tôi chờ đến cuối năm mới nộp thêm tiền ký quỹ”, đại diện một hãng lữ hành cho biết. Vị đại diện này cũng đề xuất, cần thiết ngành du lịch không nên tăng thêm tiền ký quỹ để giúp DN vượt qua khó khăn khi nguồn khách quốc tế đã bị sụt giảm mạnh trong nhiều tháng qua.

Phát huy hiệu quả nguồn tiền ký quỹ

Ngoài kiến nghị không nên tăng thêm tiền ký quỹ, nhiều DN lữ hành cho rằng, phải tạo ra hiệu quả từ nguồn tiền này trong thời gian hoạt động của DN. Các nhà làm du lịch tính toán, với 87 DN kinh doanh lữ hành quốc tế trên địa bàn thành phố thì mức tiền ký quỹ cho ngân hàng vào khoảng 22 tỷ đồng. Nếu số tiền này được tính theo mức lãi suất huy động có kỳ hạn mà hệ thống ngân hàng đang áp dụng 12%/năm thì lượng tiền lãi thu được hằng năm là 2,64 tỷ đồng.

Con số này là khá lớn so với nguồn ngân sách thành phố chi cho hoạt động xúc tiến và quảng bá mỗi năm chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Tourist tại Đà Nẵng cho biết, nếu áp dụng lãi suất 0,2% tháng thì số tiền ký quỹ ngân hàng của DN sẽ không sinh lời nhiều và cũng chỉ là nguồn tiền “chết” không đem lại hiệu quả cho DN cũng như hoạt động du lịch của thành phố.

“Theo tôi nên áp dụng mức lãi suất có kỳ hạn đối với số tiền ký quỹ của các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế tại ngân hàng vì số tiền ký quỹ này là lâu dài trong suốt quá trình hoạt động của DN. Nếu làm được điều này thì khoảng tiền ký quỹ đó sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ cho các DN lữ hành hoạt động khi gặp khó khăn”, anh Tài nhìn nhận.

Các DN kiến nghị, ngành du lịch thành phố cần đưa ra phương án sử dụng hiệu quả số tiền ký quỹ, cũng như tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế nhằm góp phần đưa “ngành công nghiệp không khói” đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2014.

Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ban hành vào ngày 14-11-2013 quy định, các DN kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy chứng nhận ký quỹ của ngân hàng với mức 250 triệu đồng với DN kinh doanh lữ hành inbound; 500 triệu đồng với DN kinh doanh lữ hành outbound hoặc kinh doanh cả 2 loại hình trên. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, thế nhưng đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi và khó khăn cho các DN.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.